Bản tin ngày 21-5-2001
(Phóng viên tường trình từ Huế)
1. Đạo lý làm người chung quanh một cái chết
Thế là cha Nguyễn Văn Lý đã đi vào tù mà chẳng biết được tin mẹ mình đã chết cũng như không thể dự lễ an táng của me, chỉ vì biện pháp vô tâm, độc ác, quên hết đạo lý làm người của CSVN.
Như gia đình cha Lý đã thông báo, cụ bà Maria Trần Thị Kính đã về nhà Chúa ngày 18-5-2001 sau khi hấp hối được một tuần. Ở đây cha Lý nhắn lời xin lỗi mọi người vì lá thư viết tay ngày 11-5 báo tin mẹ về với Chúa và đã được tung lên mạng internet. Sở dĩ cụ bà hấp hối lâu như thế chỉ vì thương nhớ mong đợi đứa con út của mình, đứa con vốn cũng đã vắng mặt vì ở tù khi cụ ông mất ngày 30-7-1983 (xin xem lá thư cám ơn của cha Lý được scan dưới đây).
Khi nghe tin mẹ bắt đầu hấp hối, cha Lý đã ngày đêm mong đợi một điện tín báo tử để có thể thông báo cho chính quyền rồi đi làm nghĩa vụ sau cùng của một đứa con, và ngài vẫn hy vọng chính quyền sẽ châm chước vì lòng nhân đạo. Nhưng thật không ngờ, đã có một âm mưu đê hèn chung quanh cuộc hấp hối của bà cụ. Cha Lý cho biết: vì cụ bà khi tỉnh khi mê, nên anh em cháu chắt của ngài hầu như đánh điện tín và gọi điện thoại mỗi ngày cho ngài để thông báo tình hình từng lúc. Những điện tín nào nói cụ còn tỉnh thì đến được tòa TGM Huế, những điện tín báo nguy cấp thì bị chặn lại và mất tiêu. Cộng sản còn tạo ra nhiều cú điện thoại giả, để cha Lý chẳng biết đường nào mà lần. Thậm chí một đứa cháu của ngài còn bị công an Quảng Biên kêu ra hạch sách vì đã đánh điện tín cho ngài! Không thể nào tưởng tượng nổi!
Hơn thế nữa, ngày 15-5, giữa lúc tang gia bối rối như vậy, bạo quyền CS còn đến nhà xứ An Truyền lập biên bản cha Lý không chấp hành quyết định 961. Cha Lý đã phản ứng bằng cách lập biên bản. Đây là biên bản số 20. Tiếc thay ngài đã không gởi kịp biên bản này. Tối hôm đó, sau thánh lễ, cha Lý đã trình bày sự việc cho giáo dân cũng như cho một số cán bộ CS đang ngồi theo dõi và ghi âm các lời của ngài. Đại ý cha Lý nói: “Theo truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, án tử hình không áp dụng cho người trên 70 tuổi. Nhưng khi tàn ác quá thì vua Minh Mạng, Tự Đức vẫn châu phê án tử cho nhiều kitô hữu trên 80 tuổi: thánh linh mục Bênađô Vũ Văn Duệ 83t và thánh linh mục Luca Vũ Bá Loan 84t là hai ví dụ. Nay một cụ bà 102 tuổi đang hấp hối cần gặp con, thế mà bạo quyền vẫn không cho thông tin chính xác, để đứa con đó có bằng chứng mà xin đi gặp mẹ. Hỡi những cán bộ đảng viên Cộng sản, lòng nhân đạo mà các ông thường rêu rao để ở đâu? Hay đó là thứ nhân đạo giả dối, thứ nhân đạo của những kẻ đã mất hết tính người, đã quên hết đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt! Các ông chỉ biết một điều duy nhất là quyền lực, quyền lực! Hình ảnh một bà mẹ chỉ vì nuối con mà không “ra đi” được thay vì làm cho các ông động lòng, lại càng làm cho các ông thêm nhẫn tâm, thêm quyết chí siết chặt vòng vây và ngăn chặn các thông tin về một người hấp hối!…” Nghe thế, một số cán bộ đã rơm rớm nước mắt và ra khỏi nhà thờ vì không thể chịu nổi.
Tối hôm đó, cha Lý cũng xin giáo dân bày tỏ thái độ chọn lựa. Trước tiên tất cả nguyện xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo Việt Nam; sau đó ngài nói: “Trong anh chị em, ai muốn trở lại cuộc sống bình thường, không can dự tới cuộc tranh đấu của cha sở kẻo bị liên lụy và thiệt thòi về nhiều mặt, thì cứ tự nhiên rút lui. Mọi quan hệ thông thường giữa chủ chiên và con chiên cũng như giữa mọi thành viên giáo xứ vẫn không có gì thay đổi. Nhưng một khi quyết định rút lui, các anh chị em đó cũng nên thông báo với chính quyền xã để họ thôi gây khó dễ cho mình”. Sau đó là phần biểu quyết. Một trăm phần trăm giáo dân đã thề trung thành với Giáo Hội, với Đức TGM qua việc đi theo cha xứ. Tất cả lại cầu nguyện và biểu quyết lần nữa. Cũng vẫn 100% giáo dân quyết tiếp tục tham gia vào cuộc tranh đấu của cha xứ mình. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng tại giáo xứ Nguyệt Biều, lúc cha Lý còn ở, cũng từng có cuộc biểu quyết như thế và hết thảy bổn đạo đều quyết chí theo cha.
Trở lại chuyện đám tang của cụ bà Trần Thị Kính. Khi biết mình sẽ không tài nào về với mẹ được, cha Lý đã nhờ cha Nguyễn Hữu Giải là quản hạt Hương Phú vào Quảng Biên, đại diện ngài cử hành tang lễ (xin xem thư). Thế nhưng bạo quyền CS cũng không cho cha Giải đi. Nhẫn tâm đến thế là cùng! Nhằm thông hiệp với vị chủ chăn bằng việc cùng để tang cho thân mẫu của ngài, giáo dân An Truyền đã chuẩn bị mỗi người một khăn tang. Số khăn tang này, cất trong một bao tải to tướng để tại nhà xứ, đã bị công an lấy đi mất lúc 10 giờ sáng ngày 19-5. Chính quyền còn dọa: giáo dân nào để tang cho bà cụ thì sẽ bị bắt. Dầu vậy, tín hữu vẫn âm thầm đi mua lại khăn tang.
Thanh toán xong mục tử, chính quyền CS nay bắt đầu khủng bố đoàn chiên. Kể từ hôm 18-5 đến nay, mỗi ngày có trung bình 10 giáo dân An Truyền bị gọi ra trụ sở ủy ban xã Phú An để bắt bày tỏ lập trường. CS nói: “Ông Lý xấu xa phản động như thế mà tụi bây còn theo được sao?” Giáo dân nào ký vào giấy “không theo cha Lý” thì được thả về, còn ai quyết liệt trung thành với chủ chăn thì bị giữ lại, hăm dọa đủ điều, ghi vào “sổ đen” và dĩ nhiên là sẽ còn lãnh những đòn thù về mặt kinh tế nữa. Như rắn mất đầu, giáo dân An Truyền nay hết sức khổ sở. Tuy nhiên, họ vẫn tìm cách cùng nhau lên tỉnh gặp chính quyền để yêu cầu thả chủ chăn của họ. Cho đến nay, mọi toan tính đó đều bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, nghĩa là họ bị các lực lượng công an hùng hổ chặn ngay trên đường ra khỏi làng. Trên các phương tiện truyền thông, bây giờ cũng thấy lại màn phỏng vấn những con chiên ghẻ, những tay cò mồi, thậm chí cả những giáo dân trá hình (mà cha Lý đã có lần lập biên bản tố cáo) về nhà tranh đấu kiệt xuất và can trường này. Tất cả những trò này chỉ càng bộc lộ bản chất dối trá và áp bức của chế độ Cộng Sản.
2. Những màn sách nhiễu dân lành
Song song với những biện pháp bao vây cha Lý, kết thúc bằng việc bắt ngài cách tàn bạo sáng ngày 17-5, chính quyền cũng chặt chẽ kiểm soát cha Giải và cha Lợi. Cha Giải thì còn có thể đi làm mục vụ xứ đạo và giảng tĩnh tâm tại các dòng tu (ngài là hạt trưởng nên khó động đến), nhưng bao giờ cũng có từ 4 đến 10 công an “hộ tống” khi ngài di chuyển. Việc này gây rắc rối cho ngài không ít và gieo lo lắng cho các giáo dân lẫn các cộng đoàn rất nhiều. Ai đến gặp ngài tại nhà xứ thì khi ra về cũng được “hỏi thăm sức khỏe”. “Thành tích” mới nhất là chính quyền không để cho ngài vào Quảng Biên để thay mặt cha Lý và thay mặt giáo phận cử hành tang lễ cho bà cụ Maria.
Cha Lợi thì càng bị phong tỏa gắt gao hơn. Từ cả tháng nay, ngài không thể đi đâu được, vì bị công an chặn ngay ngoài ngõ. Ngài đã có lần nói với một tay công an canh giữ mình rằng: “Anh về báo cáo với cấp trên là nếu đường hoàng thì họ cứ cho một lệnh cấm bằng văn bản. Còn xúm nhau lại để chận một kẻ vô phương tự vệ như tôi thì đó là cung cách của lũ cướp đường chứ không phải là cung cách của người đại diện pháp luật”. Văn bản lệnh cấm thì đến nay chưa có, nhưng cung cách lũ cướp thì đã thấy rõ qua rất nhiều vụ việc, đặc biệt là do ba tay công an còn rất trẻ và rất hung hăng tên là Thái Anh, Long và Tiến.
Một trong những công tác chủ yếu của tốp công an này là chặn tất cả những ai từ nhà cha Lợi ra để lục soát xem có tài liệu nào do ngài nhờ chuyển không. Sau nhiều lần chận đường, lục soát khách mà chẳng thấy gì cả (cha Lợi ngu gì mà làm như vậy để thân hữu của mình gặp tai họa), mấy tay công an trẻ này điên tiết lên, và đã chơi trò hành hạ người ta. Không bắt được tài liệu thì phạt về chuyện khác vậy: một chị nọ đã bị phạt 100 ngàn đồng chỉ vì đi xe máy phân khối lớn không có bằng lái (xe của chồng); một anh nọ, cháu cha Lợi, đã bị phạt 60 ngàn chỉ vì đi xe máy mượn của người bà con (chúng tôi đã tường thuật chuyện này trên một bản tin trước). Ngày 11-5, một cô giáo, bạn em cha Lợi, đã bị phạt 100 ngàn đồng vì không có “giấy phép lưu hành xe máy” (một loại giấy chúng bịa đặt ra) sau khi thấy cô có đủ giấy tờ hợp lệ. Nên nhớ lương tháng cô giáo chỉ là 300 ngàn (# 22 đôla). Ngày 13-5, một anh thanh niên, sau khi ra khỏi nhà cha Lợi, đã bị chặn hạt vì không đem theo giấy xe. Vì nhà ở gần, anh ta xin về lấy giấy, thế mà bọn chúng cũng không cho, bắt phải nộp ngay 100 ngàn. Ngày 15-5, một sinh viên, cháu ruột cha Lợi, đã ghé thăm ông bà ngoại trước khi đi học. Ra khỏi nhà là bị Anh và Tiến chặn ngay. Cậu chỉ nói mình vào thăm ông bà thôi rồi lẹ làng đạp xe đạp cho kịp đến trường. Thế là hai tay công an dùng điện thoại di động gọi hai đồng bạn ở đồn công an đường thủy đến tiếp sức. Cậu sinh viên xấu số bị 4 công an lùa vào đồn. Vừa vào phòng, tay công an đường thủy tên Đỗ Trọng đánh cậu tới tấp vào gáy (một đòn rất hiểm), sau đó mới bắt đầu hỏi tên và mối liên hệ với cha Lợi. Dù thấy trong mấy cuốn sách không có tài liệu gì, tên Tiến vẫn cố gỡ gạc bằng cách dẫn cậu lên nhà, bắt mẹ cậu bảo lãnh. Bị bà này mắng cho một trận, tên côn đồ cuối cùng xấu hổ bỏ đi. Đêm 19-5, có hai sinh viên đến thăm em cha Lợi, trên đường về lại nhà trọ đã bị tốp công an trẻ nói trên chận bắt như bắt cướp, nghĩa là vật xuống đường và dùng còng khóa tay lại dẫn về đồn Phước Vĩnh. Sau đó, trong vòng 3 giờ đồng hồ (8-11 giờ đêm), 18 tay công an luân phiên thẩm vấn hai em. Rốt cuộc chỉ có chuyện thăm viếng bình thường, chứ không chuyển tài liệu gì, hai em sinh viên mới được thả.
Tất cả những sự cố trên cho thấy sự lộng hành của những kẻ tự xưng là “bạn dân”. Cha Giải và cha Lợi do đó rất an ủi khi được người thăm viếng (số này ngày càng ít, vì ai cũng sợ) song cũng rất khổ tâm vì thấy thân hữu của mình thế nào cũng gặp phiền phức. Phần hai cha thì noi gương Hòa thượng Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm, sẵn sàng để bị bắt như cha Lý. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà tranh đấu vì tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.
Phóng viên tường trình từ Huế
3. Thư cảm ơn của cha Lý
4. Hai bài thơ, một tâm tình
Bất hợp pháp thánh thiện – bất hợp pháp hào hùng
Trên nẻo đường Galilê ngày ấy,
Đã vang lên tiếng thét của Tin Mừng:
Loan tình thương, sự thật cho trần gian,
Đòi công lý, tự do cho người thế.
Cứu chúng con khỏi tròng ách nô lệ,
Chúa đã phán: “Luật là vì loài người!”
Quy tắc nhắm điều phối các chuyện đời,
Pháp chế bảo vệ, tiến thăng cuộc sống!
Dù lệnh cấm, hưu lễ Ngài chữa bệnh,
Cởi dây trói ràng buộc trọn xác thân,
Trả lại an vui cho cả tâm thần,
Bất chấp mối hờn căm của quyền lực!
Luật sạch nhơ cấm đủ thứ tiếp xúc,
Chúa vẫn đến với bệnh nhân phong cùi,
Giao du cùng kẻ tội lỗi công khai,
Mặc hăm dọa phê bình của trần thế!
*
Noi gương Ngài, chúng con cũng bất kể
Những trói buộc phi lý của quyền đời,
Những cưỡng ép bất công của độc tài
Muốn khống chế cả lương tâm, cuộc sống.
*
Các bạo chúa, để mặc sức hành động,
Đang nắm trong tay đủ thứ độc quyền:
Độc quyền tư tưởng, chính trị, tuyên truyền,
Độc quyền pháp luật, độc quyền giáo dục!
Sao phải khòm lưng cúi đầu khuất phục
Những kẻ đang thâu tóm trong tay mình
Các quyền Chúa đã ban cho nhân sinh,
Mà với nhân phẩm, chúng con đáng hưởng?
Sao lại khúm núm dạ vâng khiêm nhượng
Xin được bố thí từng chút quyền người,
Quyền ăn nói phát biểu cách công khai,
Quyền xây dựng nước theo cách mình nghĩ?
Quyền được thông tin phù hợp chân lý,
Quyền bình đẳng trước pháp luật, công đường,
Quyền đánh đổ những thể chế bất lương,
Quyền góp phần giáo dục thế hệ trẻ?
*
Các bạo chúa, để thêm phần mạnh thế,
Đang công cụ hóa những thế lực tinh thần,
Bằng kiểm soát khống chế việc chiêu sinh,
Huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm, truyền giáo.
Sao phải ngửa tay xin kẻ vô đạo
Cái chính họ không thể có bao giờ:
Việc hiến mình theo thiên triệu ước mơ,
Quyền rao giảng sự thật của Thượng Đế?
Sao lại van nài quyền lực tục thế
Cho tổ chức sinh hoạt đạo của mình,
Truyền bá giáo lý cứu rỗi chúng sinh,
Trong nỗi đợi chờ tháng năm đằng đẵng?
*
Làm chi có pháp luật hoàn toàn chính đáng
Trong thứ chế độ toàn trị độc tài?
Mong gì thiện chí với tôn giáo bạn ơi,
Nơi loại chủ nghĩa vô thần tranh đấu?
Độc lập tự do, thiên ân quý báu,
Có ai đã tặng không bao giờ?
Để há miệng chờ sung, âm thầm ước mơ,
Thay vì quyết tâm chinh phục chiếm đoạt!
Muốn làm người trong chế độ độc đoán,
Phải bất hợp pháp, bất hợp pháp hào hùng!
Làm kitô hữu trong chế độ vô thần,
Cần bất hợp pháp, bất hợp pháp thánh thiện!
Đời ta chỉ có một nguyên tắc thực hiện:
Vâng phục T.Chúa hơn vâng phục loài người.
Lòng ta chỉ có một quy luật quyết noi:
Theo tiếng lương tâm hơn chiều lệnh bạo chúa!
Kỷ niệm ngày cha Nguyễn Văn Lý bị bắt
17-5-2001
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi
Hai mươi năm tư tế
Thế là đã hai mươi năm,
Chúa gọi con làm tư tế
Một dặm dài dâu bể,
Đâu có bình thường như mọi anh em!
Giờ đây, trong lắng im,
Con hồi tưởng lại hồng ân Chúa,
Gẫm suy muôn nẻo lối kỳ diệu của Ngài.
*
Mới ban cho con chức linh mục đời đời,
Trong âm thầm bí mật,
Chúa đã đưa con đi hưởng tuần trăng mật,
Bảy năm trời trong cảnh tù lao.
Cùng ngắm trăng thanh qua chấn song cọc rào,
Đồng dạo bước trên con đường rẫy khoai đồi sắn.
Dâng lễ với Chúa lúc một hai giờ sáng,
Trên chiếc chiếu tù chỉ rộng bảy phân.
Chia sẻ số phận của Ngài nơi các tù nhân…
Sao quên được những ngày ân sủng đầy lưu luyến,
Những ngày thanh luyện, những ngày huấn luyện,
Con đã chẳng bao giờ tiếc nuối oán than!
Trở lại đời thường trong xã hội, giữa thế gian,
Con vẫn mãi là thứ bất hợp pháp;
Mọi hành tung đều đáng theo dõi, nghi ngờ!
Người ta bắt con phải đợi chờ,
Người ta nhắc nhở con “phấn đấu”
Biết “lập thành tích”, “xóa quá khứ xấu”!!?
Ở với mẹ già, con tìm đủ cách làm mục vụ chui:
Dạy học, dâng lễ, giảng cấm phòng chui!
Nhưng thế lực đen tối có bao giờ mất cảnh giác, buông lơi.
Lễ cộng đoàn nào con chẳng có lúc phải chấm dứt đột ngột!
Lớp dạy nào không buộc bỏ dở trong tiếc xót!
Công việc biên soạn nào chẳng bị phá ngang xương!
Mọi cái đều dở dở dang dang,
Như cuộc đời Chúa dang dang dở dở!
Như số phận lao đao của ngàn ngôn sứ!
Nay với vai trò ngôn sứ, số phận con càng lao đao!
*
Khi từ hôm cùng với anh em, con cất tiếng kêu gào
Đòi lại tự do cho con người, cho con Chúa,
Thiên ân bẩm sinh bị bạo quyền đoạt tước,
Đương đầu với chế độ áp bức độc tài,
Công bố lời chân lý, bản cáo trạng muôn nơi,
Những đòn thù đã trên con giáng xuống:
Cắt điện thoại, phá điện thư, chặn đường sau trước,
Hăm dọa cộng đoàn con phục vụ thường xuyên.
Con thành mục tử không chiên, tù không tội, đi không đường,
Chỉ còn lại chức năng “tư tế”:
Lo thờ phượng Chúa – một mình làm lễ,
Dâng tấm thân yếu hèn trên đĩa thánh gian lao!
Có thể lại nếm cảnh bắt bớ, tù lao,
Cho trọn vẹn con đường làm chứng!
*
Nhưng con hiểu, kiếp sống lao đao lận đận
Giúp thể hiện chức năng đời linh mục trọn vẹn thêm:
Ngôn sứ nào hùng hồn hơn trong cảnh gian nan?
Tư tế lễ phẩm nào quý hóa hơn khi dâng trên bàn thờ thập giá?
Thủ lãnh nào ảnh hưởng hơn giữa ba đào sóng cả?
Như Chúa đã hoàn tất việc cứu rỗi thế gian,
Đâu phải khi thể hiện những phép lạ huy hoàng,
Nhưng là lúc đắm chìm trong đau khổ!
Kỷ niệm hai mươi năm thụ phong linh mục
21/5/1981 – 21/5/2001
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi