Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Philippines muốn « tăng cường » hợp tác kinh tế với Trung Quốc – Thu Hằng /RFI
04/01/2023
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (G) trong cuộc họp với chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/01/2023. AP
Tổng thống Philippines Ferdinand « Bongbong » Marcos Jr. bắt đầu chuyến công du Trung Quốc ngày 04/01/2023 với cuộc họp với ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại để giúp hai nước vượt qua đại dịch Covid-19 là những chủ đề chính của cuộc trao đổi.
Trong cuộc họp với ông Lật Chiến Thư, tổng thống Philippines nhấn mạnh Manila « coi trọng việc tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines ». Chủ tịch Hạ viện Philippines Martin Romualdez, được trang Philstar trích dẫn ngày 04/01, đánh giá cuộc gặp giữa hai nhà lanh đạo là « một lời cam kết tích cực ». Ông Lật Chiến Thư đề cập đến việc hai nước cần phát triển nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, thương mại, đầu tư, đặc biệt là trao đổi giữa người dân.
Trước khi hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, tổng thống Marcos Jr. hy vọng rằng « các hiệp định quan hệ đối tác giúp ổn định và củng cố nền kinh tế của chúng ta » sẽ kết nối hai nước với nhau. Theo AFP, hai nước sẽ ký khoảng 14 thỏa thuận song phương trong chuyến công du của tổng thống Philippines kết thúc ngày 05/01.
Trước khi lên đường công du Bắc Kinh, tổng thống Marcos Jr. cho biết hy vọng thảo luận với chủ tịch Trung Quốc « những vấn đề về an ninh chính trị cũng như quan hệ song phương và trong vùng », vì theo ông, « những vấn đề giữa hai nước chúng ta là những vấn đề không có chỗ đứng giữa hai quốc gia bằng hữu ».
Theo dự kiến, Philippines và Trung Quốc cũng sẽ lập đường dây liên lạc trực tiếp để tránh « mọi sai lầm về tính toán và thông tin ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông )». Trước đó, ngày 22/12/2022, Philippines thông báo tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông sau khi có thông tin về việc Trung Quốc bồi đắp nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam cũng khẳng định toàn bộ chủ quyền.
Hoa Kỳ : Phe đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện không bầu được chủ tịch – Anh Vũ /RFI
04/01/2023
Dân biểu Kevin McCarthy của bang California trong phiên họp Quốc Hội lần thứ 118, Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 03/01/2023. AP – Alex Brandon
Hôm qua, 03/01/2022, hai viện Quốc Hội Mỹ mới sau cuộc bầu cử giữa kỳ bắt đầu trở lại làm việc với phiên họp bầu lãnh đạo. Trong khi mọi việc diễn ra suôn sẻ ở Thượng Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát, thì tại Hạ Viện bế tắc hoàn toàn.
Lần đầu tiên kể từ 100 năm qua, phe Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện đã không bầu được chủ tịch. Ứng cử viên có triển vọng nhất là Kevin McCarthy sau 3 vòng bầu vẫn không có đủ số phiếu để trở thành chủ tịch Hạ Viện, vì lý do chia rẽ trong nội các dân biểu Cộng Hòa.
Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington tường trình :
« Đây là giấc mơ cả đời của ông Kevin McCarthy. Từ nhiều năm nay, vị dân biểu của bang California đã nỗ lực hết mình để trở thành chủ tịch Hạ Viện. Thứ Ba này lẽ ra phải là ngày trọng đại của ông, kết quả lại là một sự sỉ nhục công khai.
Ba lần ông ra ứng cử trước các đồng nghiệp, cả ba lần ông đều thất bại, không thể tập hợp được 218 phiếu bầu cần thiết. Mỗi lần như vậy, phe cứng rắn trong đảng Cộng Hòa, mà ông đã phải nhượng bộ nhiều, đều muốn chọn một người khác, kể cả đó là người không ra ứng cử.
Chính lãnh đạo phe thiểu số Dân Chủ, ông Hakeem Jeffries lại về đầu khi lấy được đủ các phiếu bầu từ phe mình. Dân biểu này không ngại chỉ trích cảnh tượng đáng tiếc đó.
Ông nói: “ Điều mà chúng ta tìm kiếm đó là một đối tác có quyết tâm giải quyết các vấn đề của người dân Mỹ chứ không phải là để cứu đảng Cộng Hòa khỏi bị tê liệt. Chúng tôi cần một đối tác lãnh đạo để xây dựng trên những tiến bộ phi thường mà chúng tôi đã đạt được trong những năm qua cho người dân Mỹ. Nhân tiện nói luôn, chúng tôi đã làm cũng với một đa số tương tự”. Rồi ông Hakeem Jeffrie liệt kê ra những thành tựu của nữ chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm, trước đây đã được 222 dân biểu bầu.
Thứ Tư này, Hạ Viện sẽ họp lại lần nữa để bầu chủ tịch, nếu không có thì sẽ không thể hoạt động. Ông Kevin McCarthy rõ ràng không có ý định bỏ cuộc. Phe cứng rắn trong đảng Cộng Hòa cũng vậy. »
TIN GIỜ CHÓT: Cựu TT Trump kêu đảng Cộng Hòa gọi bỏ phiếu cho ông Kevin McCarthy
https://truthsocial.com/@realDonaldTrump/posts/109630978268932397
Tập đoàn đánh thuê Wagner của Nga tuyển mộ tù nhân từ Belarus
Một tù nhân đến từ Belarus nằm trong nhóm tân binh của Tập đoàn Wagner đã chạy trốn khỏi một căn cứ huấn luyện ở vùng Donbass phía đông Ukraine vào tháng 12, theo trang thông tin địa phương.
Theo trang thông tin tiếng Nga Donday, Bộ Nội vụ Nga đã ra thông báo “truy nã” tại vùng Rostov-on-Don – nằm gần biên giới Ukraine – đối với 6 thành viên của Tập đoàn Wagner bị cáo buộc bỏ trốn trong khoảng thời gian từ ngày 21/12 đến 22/12 từ một trung tâm đào tạo ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng.
Trong số những người trốn khỏi trung tâm huấn luyện có ba người quốc tịch Uzbekistan, một người quốc tịch Kyrgyzstan, một người quốc tịch Nga và một người Belarus. “Cả sáu người đều có vũ trang và rất nguy hiểm”, theo Donday, trích dẫn một nguồn tin trong cơ quan thực thi pháp luật.
Donday mô tả những người đàn ông là “lính đánh thuê bị kết án” và là “tù nhân có vũ trang từ Wagner PMC [Công ty quân sự tư nhân].”
Nhóm bán quân sự này đã tham gia rất tích cực vào cuộc chiến hiện tại ở Ukraine và hỗ trợ quân đội Nga trong việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Nhà nước Nga kể từ năm 2014 đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của nhóm, khẳng định rằng lính đánh thuê là bất hợp pháp theo luật pháp Nga và các công ty an ninh quân sự tư nhân cũng sẽ không được phép cung cấp dịch vụ bên ngoài nước Nga theo luật của nước này.
Nhưng sau khi ông Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, giọng điệu ở Nga đã thay đổi về nhóm cung cấp binh lính cho thuê này, và Nga đã khởi động quá trình hợp pháp hóa các công ty quân sự tư nhân như PMC.
Mặc dù Điện Kremlin vẫn chính thức phủ nhận bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa Tập đoàn Wagner và nhà nước, nhưng nhiều người tin rằng các chiến dịch của họ được phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga.
Tập đoàn Wagner đã tuyển dụng một số lượng lớn tù nhân cho cuộc chiến ở Ukraine. Họ cũng như tuyển dụng ở các thuộc địa ở Nga, đề nghị giảm án cho các tù nhân nam và khuyến khích đổi tiền mặt lấy sáu tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Ukraine.
Vladimir Oschkin, một nhà hoạt động nhân quyền người Nga và là người đứng đầu dự án chống tham nhũng Gulagu.net, một nhóm bảo vệ quyền của tù nhân, cho biết hồi tuần trước rằng kể từ ngày 24/2, có tới 30.000 tù nhân đã được tuyển dụng từ các nhà tù và đưa đến Ukraine, trong khi hơn 5.000 người đã thiệt mạng trong trận chiến và trong các trại của Tập đoàn Wagner, Newsweek đưa tin.
Ông Oschkin được cho là có một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp thông tin bên trong hệ thống nhà tù của Nga và hiện đang sống lưu vong ở Pháp.
Cũng theo ông Oschkin, việc tuyển mộ cho cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra trong các nhà tù không chỉ ở Nga mà còn ở một số quốc gia ở Châu Phi, Turkmenistan và Kyrgyzstan, Tajikistan và thậm chí cả Belarus.
“Chúng tôi có thông tin rằng hệ thống nhà tù Belarus đã mở cửa cho Prigozhin và các đồng nghiệp của ông ta tuyển mộ tù nhân trong năm nay. Chúng tôi có tài liệu [ngày 28/9] về điều này, khi [nhân viên] Bộ Tư pháp Belarus chuyển nó đến hệ thống nhà tù để mở cửa cho một nhóm người Nga muốn vào nhà tù Belarus cùng với Prigozhin,” ông nói.
Belarus, một đồng minh trung thành của Kremlin, đã không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Nga đã được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus từ trước khi bắt đầu chiến tranh.
Nhật Minh (theo Newweek)
WHO kêu gọi Trung Quốc tiết lộ số ca tử vong thực sự vì Covid-19
Huyền Anh
Một thi thể được chuyển từ xe tang vào thùng chứa đông lạnh ở nhà hỏa táng và nhà tang lễ Đông Giao, một trong số những nơi xử lý thi thể của các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18 tháng 12, năm 2022. (Ảnh: Getty Images)
Sau nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc che giấu sự thực, đặc biệt là về số ca tử vong vì dịch bệnh, các cố vấn khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tìm kiếm một “bức tranh thực tế hơn” về tình hình Covid-19 ở Trung Quốc.
Vào ngày 3/1, WHO đã mời các nhà khoa học Trung Quốc tham dự một cuộc họp kín với nhóm cố vấn kỹ thuật của họ để chia sẻ dữ liệu về các biến thể Covid-19 hiện đang lây lan tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc họp giữa các chuyên gia của WHO và Trung Quốc sẽ không được công khai cho công chúng hoặc giới truyền thông. Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc tiếp tục che giấu sự thực, đặc biệt là về số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022 sau các cuộc biểu tình lịch sử lan rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, thay vì dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột chấm dứt chính sách này, khiến cho các ca nhiễm Covid-19 hiện đang gia tăng trên khắp Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí trước cuộc họp hôm thứ Ba (3/1), nhà virus học và thành viên ủy ban của WHO Marion Koopmans nói rằng, thông tin mà chính quyền Trung Quốc công bố về tỷ lệ nhập viện do nhiễm Covid-19 là “không đáng tin cậy”, đồng thời ông kêu gọi chính quyền nước này cần phải trung thực hơn vì lợi ích của chính người dân Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn thấy một bức tranh thực tế hơn về những gì đang thực sự diễn ra [tại Trung Quốc]”, ông Koopmans nói.
“Việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy hơn là vì lợi ích của chính Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
ĐCSTQ che giấu cái chết hàng loạt và tình hình lây nhiễm của Covid-19
Gần ba năm phong tỏa vì chính sách Zero Covid của ĐCSTQ đã làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của người dân Trung Quốc. Đại dịch lần này dường như đang vượt quá khỏi tầm kiểm soát ở Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đột ngột nới lỏng chính sách phòng dịch sau nhiều năm phong tỏa đã dẫn đến sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 trong nước, với ước tính gần 37 triệu người nhiễm Covid-19 chỉ trong một ngày, theo biên bản bị rò rỉ từ cuộc họp ngày 21/12 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC). Tờ Bloomberg là bên đầu tiên đưa tin về vụ rò rỉ dữ liệu này vào hôm 23/12.
Theo số liệu bị rò rỉ, có tới 248 triệu người có thể đã nhiễm Covid-19 chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12. Theo đó, loại virus này đã lây nhiễm cho hơn một nửa số cư dân của thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc.
Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn đưa tin rằng, chỉ có 10 ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc trong tháng 12. Trong một động thái tương tự, chính quyền Bắc Kinh chỉ báo cáo ba trường hợp tử vong mới do nhiễm Covid-19 vào ngày 2/1 và chỉ có một trường hợp tử vong mới vào ngày 1/1.
Một báo cáo do công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh công bố vào tháng 12 ước tính rằng, có khoảng 9.000 người ở Trung Quốc tử vong mỗi ngày vì nhiễm Covid-19 và con số đó có thể sẽ lên tới 25.000 người vào cuối tháng 1. Báo cáo cho biết, số ca tử vong tích lũy ở Trung Quốc kể từ ngày 1/12 có thể lên tới 161.000 người.
BMJ, một tạp chí thương mại y tế được bình duyệt hàng tuần, đã phát hành một bài báo vào ngày 3/1 cho thấy rằng, ĐCSTQ đã làm xáo trộn dữ liệu về Covid-19 bằng cách thay đổi các tiêu chí mà họ sử dụng để thống kê số ca nhập viện và tử vong.
Bài báo cho biết: “Trung Quốc đã ngừng thống kê các trường hợp nhiễm Covid-19 và tử vong vì Covid-19, họ ngừng xét nghiệm hàng loạt và áp dụng các tiêu chí mới để thống kê các trường hợp tử vong [vì Covid-19ơ. Điều này sẽ loại trừ hầu hết các ca tử vong được báo cáo”.
Bất chấp làn sóng bùng phát của các ca nhiễm mới, ĐCSTQ thông báo rằng họ sẽ mở cửa biên giới vào ngày 8/1.
Động thái này đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế. Các quốc gia trên thế giới hiện đang gấp rút đưa ra các yêu cầu xét nghiệm đối với tất cả những du khách đến từ Trung Quốc. Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Malaysia và Qatar nằm trong số các quốc gia đang tìm cách hạn chế mạnh mẽ hơn đối với những người đến từ Trung Quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 28/12 rằng, hành khách sẽ buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc bằng chứng đã hồi phục trước khi lên chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc.
“Quyết định này của CDC nhằm kìm hãm tốc độ lây lan của Covid-19 tại Hoa Kỳ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đang tăng vọt do thiếu dữ liệu trình tự bộ gen và dịch tễ học đầy đủ, cũng như thiếu sự minh bạch về báo cáo từ Trung Quốc”, CDC Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí.
Phát ngôn viên của ĐCSTQ cho biết, các yêu cầu xét nghiệm là “không thể chấp nhận được” và chế độ này sẽ “có biện pháp đối phó” đối với các quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Ukraine nói Nga đã mất hơn 2000 binh sĩ chỉ sau 3 ngày đầu năm mới
Các quan chức quân sự Ukraine cho biết, số người chết trong cuộc chiến năm 2023 của Nga đã vượt qua con số 2.000 và không có dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột sẽ kết thúc.
Theo ước tính được Bộ Quốc phòng Ukraine đăng tải trong vài ngày qua, Nga đã thiệt hại ước tính khoảng 2.230 binh sĩ chỉ trong ba ngày giao tranh, nâng tổng số người Nga thiệt mạng lên con số ước tính 108.190 kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 .
Tuy nhiên, đây là những con số vẫn còn gây tranh cãi và không được xác minh độc lập.
Sau một cuộc tấn công bằng tên lửa ở miền đông Ukraine do Nga chiếm đóng hôm thứ Hai, các quan chức Ukraine ước tính đã giết chết khoảng 400 lính Nga, trong khi Điện Kremlin nói rằng tổng số gần 63 người thiệt mạng.
Nhiều bên quan sát khác đã đưa ra những ước tính khác nhau về số người thiệt mạng. Hãng tin độc lập của Nga Mediazona đã xác nhận tên của hơn 10.000 người thương vong tính đến giữa tháng 12, mặc dù quan chức quân sự hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tướng Mark Milley, cho rằng cả hai bên đã vượt mốc 100.000 người chết vào tháng 11.
Sự tức giận ở Nga về những tổn thất gia tăng trong cuộc chiến đang ngày càng trở nên rõ nét. Sau cuộc thăm dò cho thấy sự phản đối chiến tranh ngày càng tăng ở nước này hồi cuối năm, cuộc tấn công hôm thứ Hai ở khu vực Donetsk đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích lãnh đạo quân đội Nga, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Một số blogger thân Nga đã chỉ trích việc bố trí tập trung binh lính và báo cáo số người chết cao hơn đáng kể so với con số 63 mà chính phủ Nga báo cáo.
Trong khi đó, ISW báo cáo rằng Bộ Quốc phòng Nga đang cố gắng đổ lỗi cho các quan chức ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk cũng như các binh sĩ, cho rằng cuộc tấn công xảy ra khi các quân nhân Nga “vi phạm an ninh hoạt động bằng cách sử dụng điện thoại di động cá nhân, cho phép các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc tấn công chính xác vào căn cứ.”
ISW cho biết, một số blogger trong số đó đã đề cập trên Telegram về tuyên bố ngày 21 tháng 12 của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bộ Quốc phòng Nga cần phải chịu trách nhiệm và lắng nghe những lời chỉ trích về những thất bại của mình, đồng thời kêu gọi Điện Kremlin trừng phạt các nhà lãnh đạo quân sự chịu trách nhiệm về những thất bại này.
ISW cho biết, những điều đó cho thấy dấu hiệu về khả năng chỉ huy cuộc xung đột của ông Putin đang bị trượt dốc.
ISW viết: “Những thất bại quân sự sâu sắc như vậy sẽ tiếp tục làm phức tạp thêm những nỗ lực của Putin nhằm xoa dịu cộng đồng ủng hộ chiến tranh của Nga và duy trì giọng điệu thống trị trong không gian thông tin trong nước”.
“Các nguồn tin của Nga tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội và Ủy ban Điều tra làm rõ vụ việc ở Makiivka trước ngày 6 tháng 1. Việc ông Putin không thể giải quyết những lời chỉ trích và sửa chữa những sai sót trong chiến dịch quân sự của Nga có thể làm giảm uy tín của ông ấy với tư cách là một nhà lãnh đạo chiến tranh.”
Ngân Hà (theo Newsweek)
Lạm phát của Đức đạt 7.9% vào năm 2022, cao nhất trong hơn 70 năm
Một thợ làm bánh người Đức đặt những ổ bánh mì lên kệ trưng bày tại một tiệm bánh ở Berlin hôm 28/12/2022. (Ảnh: John Macdougall/AFP qua Getty Images)
BERLIN—Đức đã ghi nhận mức lạm phát hàng năm cao nhất trong hơn 70 năm qua, theo dữ liệu sơ bộ do Văn phòng Thống kê Liên bang của nước này công bố hôm thứ Ba (03/01).
Giá lương thực và năng lượng tăng do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến lạm phát cả năm đạt 7.9% vào năm 2022. Lần cuối cùng lạm phát thường niên gần mức đó là vào năm 1951, khi lạm phát ở mức 7.6% khi cuộc bùng nổ kinh tế thời hậu chiến bắt đầu. Lạm phát thường niên năm 2021 là 3.1%.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy lạm phát đã chậm lại phần nào trong tháng Mười Hai, xuống còn 8.6% so với cùng tháng năm trước, do các khoản thanh toán một lần của chính phủ để giúp người tiêu dùng thanh toán hóa đơn sưởi ấm và xăng có hiệu lực. Trong tháng Mười, lạm phát hàng tháng đã đạt mức kỷ lục 10.4% trước khi giảm xuống 10% vào tháng Mười Một.
Giá cả tăng làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều nghiệp đoàn Đức đã vận động thành công để tăng lương cao hơn mức trung bình trong những tháng gần đây để bù đắp tác động của lạm phát.
Trong khi đó, số liệu thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất Âu Châu tăng nhẹ trong tháng Mười Hai lên 2.45 triệu, tương đương 5.4%. Con số này cao hơn khoảng 0.1% so với tháng Mười Một, mặc dù mức tăng như vậy không phải là bất thường vào cuối năm khi các hợp đồng tạm thời hết hạn.
Con số thất nghiệp trung bình cả năm cho năm 2022 là 2.42 triệu, ít hơn gần 200,000 so với năm 2021.
The Associated Press
Một tuần hồi hộp chờ dữ liệu kinh tế Mỹ
Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang bước một cách khập khiễng vào năm mới. Khảo sát lĩnh vực chế tạo của Mỹ, được công bố vào thứ Tư, dự kiến cho thấy ngành này đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12. Nếu vậy, nó sẽ bổ sung thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.
Một câu hỏi quan trọng là Fed sẽ phản ứng ra sao. Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, khi lãi suất được tăng lần gần đây nhất, cũng sẽ được công bố vào thứ Tư. Các nhà phân tích sẽ xem xét kĩ từng chi tiết trong đó để hiểu được suy nghĩ của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, dữ liệu và biên bản mới đều không quan trọng bằng báo cáo việc làm sẽ công bố vào thứ Sáu. Chừng nào thị trường lao động Mỹ còn mạnh, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Nguyên nhân là vì áp lực tiền lương gây ra lạm phát, kể cả khi kinh tế suy thoái.
Chiến tranh tiêu hao của Ukraine gây nhiều khó khăn cho Nga
Ukraine chào năm mới giữa mưa hỏa tiễn hành trình Nga ở Kiev. Nhưng họ chỉ mất vài giờ để trả thù. Sử dụng bệ phóng tên lửa HIMARS của Mỹ, quân đội nước này đã phá hủy một doanh trại tạm thời ở Makviika, miền đông tỉnh Donetsk. Bộ Quốc phòng Nga nói có 63 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Ukraine và một số nhà bình luận Nga cho rằng con số thực sự lên tới 400.
Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích ở Nga đối với giới lãnh đạo quân sự của nước này. Igor Girkin, người chỉ huy cuộc xâm lược Donbas của Nga vào năm 2014, mạnh miệng nói: “Các ông tướng của chúng ta thật là không thể huấn luyện được.” Nó cho thấy quân đội Nga vẫn mắc các sai lầm rất cơ bản: Ukraine được cho là đã bắt được sóng điện thoại từ binh sĩ Nga trong đồn. Nó cũng minh họa vai trò quan trọng của đánh tiêu hao trong chiến tranh, khi Ukraine sử dụng vũ khí chính xác tầm xa để làm hao mòn lực lượng Nga – tương tự như trước các cuộc tấn công ở Kherson và Kharkiv năm ngoái. Các phòng tuyến Nga mỏng đi sẽ mở đường cho quân Ukraine tiến công.
Lạm phát tăng ở Pháp
Nhờ các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ và ít bị phụ thuộc vào khí đốt Nga, Pháp tương đối không bị ảnh hưởng quá nặng bởi lạm phát tăng ở châu Âu. Trong năm tính đến tháng 11 năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Pháp chỉ ở mức 7,1%, thấp thứ hai trong khu vực đồng euro sau Tây Ban Nha. Nhưng số liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến cho thấy giá cả đã không còn ổn định nữa. Ngân hàng Trung ương Pháp dự đoán lạm phát sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023.
Lúc này lại là thời điểm khó khăn cho chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron. Họ vừa chấm dứt trợ cấp xăng dầu, và tăng mức trần tăng giá điện và gas lên 15%. Hỗ trợ sẽ chỉ giới hạn cho các công ty nhỏ. Các gia đình sẽ cảm nhận được chi phí sinh hoạt tăng, ngay giữa lúc chính phủ có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Nước Pháp, không xa lạ gì với các cuộc bạo loạn, có thể sẽ trải qua một năm đầy biến động.
Myanmar mừng quốc khánh
Vào đúng 4:20 sáng thứ Tư, một cuộc diễu hành quân sự kéo dài bốn tiếng sẽ bắt đầu ở Naypyidaw, thủ đô Myanmar. Thời điểm đó vào năm năm 1948 đã được các nhà chiêm tinh cho là tốt lành nhất để nước này tuyên bố độc lập khỏi đế quốc Anh. Giờ đây sau bảy mươi lăm năm, các vị tướng đang nắm quyền sẽ đến dự một buổi gala có hòa nhạc và thi đấu thể thao, bên cạnh màn trình diễn pháo hoa và máy bay không người lái.
Nhưng không nhiều người dân sẽ ăn mừng. Nhiều người đang cảm thấy phải sống trong xiềng xích kể từ cuộc đảo chính quân sự hai năm trước, vốn đã phá hủy cuộc thử nghiệm dân chủ ngắn ngủi của đất nước. Cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến cũng tự nó biến thành nội chiến toàn diện; với các nhóm vũ trang đối lập tuyên bố kiểm soát gần một nửa đất nước. Và xung đột đã lan ra khỏi biên giới Myanmar. Tội phạm Đông Nam Á đang trú ẩn trong các vùng do quân đội quản lý, trong khi hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8 này sẽ chỉ là một trò chế nhạo nữa đối với dân chủ.
Đa số chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ gần như rơi vào suy thoái vào năm 2023
Đa số các chuyên gia kinh tế hàng đầu dự báo Mỹ khó né tránh một cuộc suy thoái trong năm nay. (Ảnh minh họa: Morrowind/Shutterstock)
Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Alan Greenspan và hàng loạt chuyên gia hàng đầu nhận định kinh tế Mỹ nhiều khả năng rơi vào suy thoái vào năm nay. Trong khi đó, động thái của Fed hiện nay vẫn đang cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra trong năm nay, với hy vọng đưa lạm phát về mức thấp, bất chấp sự suy thoái ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của kinh tế.
Ông Greenspan, Cố vấn kinh tế cấp cao tại Advisors Capital Management, đã tuyên bố trong một bài bình luận hỏi đáp cuối năm được đăng trên trang web của công ty hôm thứ Ba rằng ngay cả khi xoay chuyển chính sách hiện tại của Fed cũng sẽ không đủ để tránh “ít nhất một cuộc suy thoái nhẹ”.
Bất chấp một vài báo cáo lạm phát cuối cùng cho thấy tốc độ tăng giá đã giảm tốc, nhưng ông Greenspan lưu ý rằng “nó không thay đổi thực tế là giá cả vẫn đang tăng”.
Nền kinh tế Mỹ “nhiều khả năng” phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong năm 2023, nhưng đó có thể không phải là một cuộc suy thoái đáng kể, theo cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York William Dudley.
Trong khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Surveillance hôm thứ Ba, ông Dudley thừa nhận rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra do những gì ngân hàng trung ương phải làm để kiềm chế lạm phát.
Dudley nói: “Đó sẽ là một cuộc suy thoái do Fed gây ra và họ có thể chấm dứt suy thoái bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ sau đó”.
Bên cạnh đó, ông Dudley lưu ý thêm rằng tổ chức này sẽ cần phải tăng tỷ lệ thất nghiệp để làm chậm nền kinh tế và đưa tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Fed trở lại 2%.
Kể từ tháng 3, Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên phạm vi 4,25 – 4,50%, mức cao nhất trong 15 năm. Bất chấp môi trường lãi suất tăng hiện tại và dữ liệu suy yếu, Fed không lường trước được một cuộc suy thoái.
Theo Khảo sát dự báo kinh tế (SEP), các quan chức dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ là 0,5% vào năm 2023, 1,6% vào năm 2024 và 1,8% vào năm 2025.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sau cuộc họp báo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 12 rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua giai đoạn “tăng trưởng chậm” và “thấp hơn nhiều so với xu hướng”.
Một cuộc khảo sát của Wall Street Journal với các nhà kinh tế tại 23 tổ chức tài chính cho thấy 2/3 người được hỏi nói rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong năm 2023, trong bối cảnh Fed đang nỗ lực thắt chặt lạm phát. Một cuộc khảo sát riêng biệt của Bloomberg với các nhà kinh tế cho thấy 70% khả năng quốc gia chìm vào suy thoái.
Nhưng trong khi điệp khúc ngày càng tăng của các nhà phân tích thị trường đang dự đoán một cuộc suy thoái, nhiều người Mỹ cho rằng đất nước hiện đang trong tình trạng suy thoái.
Theo một cuộc thăm dò của Politico-Morning Consult, vào tháng 11, gần hai phần ba (65%) số người được hỏi nói rằng nền kinh tế đã rơi vào suy thoái. Tám mươi mốt phần trăm đảng viên Cộng hòa coi nền kinh tế đang suy thoái, so với 63% đảng viên độc lập và 51% đảng viên Dân chủ.
Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những cơn gió ngược lớn từ lãi suất tăng, lạm phát cao, sự kết thúc của kích thích tài khóa và thị trường xuất khẩu yếu kém ở nước ngoài, Bill Adams – Phó chủ tịch cấp cao và nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica.
Jason Brady, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tại Thornburg Investment Management, cho rằng cuộc suy thoái năm 2023 “là một kết luận được báo trước”, nhưng “câu hỏi vẫn là chúng ta trải qua một cuộc suy thoái dữ dội như thế nào”.
Theo “Triển vọng kinh tế năm 2023” của Tập đoàn tài chính ING, rủi ro suy thoái đang gia tăng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp rút lui.
Các nhà kinh tế của ING cho rằng sự suy thoái của thị trường bất động sản sẽ tác động đến ngành xây dựng, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
“Trong khi Hoa Kỳ bước vào suy thoái kỹ thuật vào nửa đầu năm 2022, điều này gắn liền với các vấn đề chuỗi cung ứng kế thừa dẫn đến sự biến động trong thương mại và hàng tồn kho,” ngân hàng cho biết.
Fitch Ratings dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào “lãnh thổ suy thoái thực sự” trong quý 2/2023.
“Cuộc suy thoái dự kiến khá giống với cuộc suy thoái năm 1990 – 1991, sau khi Fed thắt chặt nhanh chóng tương tự vào năm 1989 – 1990. Tuy nhiên, rủi ro giảm giá bắt nguồn từ tỷ lệ nợ phi tài chính trên GDP, hiện cao hơn nhiều so với những năm 1990”, Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận kinh tế khu vực của Mỹ, cho biết trong một lưu ý.
Năm 1989 và 1990, Fed đã tham gia vào chính sách tiền tệ hạn chế để cắt giảm lạm phát, dẫn đến tăng trưởng kinh tế hạn chế và mất niềm tin trong các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) đã xác định tám tháng từ tháng 7/1990 – 3/1991 là một cuộc suy thoái.
Tuấn Minh, theo The Epoch Times
Trung Quốc dự kiến đưa tàu sân bay Phúc Kiến chạy thử trên biển trong năm nay
RFA
03/01/2023
Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc hạ thủy hôm 17/6/2022
AFP chụp màn hình CCTV
Trung Quốc dự kiến đưa tàu sân bay thứ ba của nước này mang tên Phúc Kiến chạy thử trên biển trong năm 2023.
Tờ Tiền Phong dẫn lời Phó hạm trưởng con tàu –Qian Shumin trong video đăng tải ngày 3/1/2023 rằng trong năm mới, chúng tôi tập trung cho các chuyến thử nghiệm trên biển và tiếp tục góp phần thực hiện những mục tiêu trăm năm của quân đội.
Tàu Phúc Kiến là chiếc tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn bởi công nghệ nội địa, so với hai chiếc trước đó là Liêu Ninh và Sơn Đông có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Tàu này hiện đại tương đương tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.
Tàu Phúc Kiến dự kiến sẽ thường xuyên hiện diện ở eo biển Đài Loan, và chắc chắn sẽ đóng vai trò đáng kể nếu xung đột xảy ra ở khu vực này.
Hôm 17 tháng 6, hãng tin Reuters đưa tin Trung Quốc đã tổ chức lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến. Động thái trên diễn ra chỉ mấy ngày sau khi ông Tập Cận Bình ký sắc lệnh cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện chiến dịch quân sự ở nước ngoài.
Trao đổi với Đài Á châu Tự do ngay trong ngày 17/6, thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và quan hệ quốc tế, cho biết với việc Trung Quốc có thêm hàng không mẫu hạm thứ ba, cán cân quân sự ở khu vực lệch hẳn về Bắc Kinh.
“Nếu mà so sánh trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Biển Đông thì rõ ràng là không có quốc gia nào ở khu vực này có thể theo kịp được với Trung Quốc. Gần đây Trung Quốc tuyên bố về những máy bay như J20, rồi đến bây giờ với cái tàu sân bay như vậy thì rõ ràng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở trên biển đã vượt trội rất nhiều lần so với các quốc gia Đông Nam Á”.