WESTMINSTER, California (NV) – Đêm tưởng niệm 41 năm quốc hận do Quỹ Yểm Trợ Đấu Tranh Nhân Quyền Tại Việt Nam tổ chức diễn ra tại nhà hàng Seafood Palace, Westminster tối Thứ Năm, 28 Tháng Tư, với trên 700 người tham dự, trong đó có Giám Mục Nguyễn Văn Long, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc, đọc bài diễn văn nói về vai trò tôn giáo trước hiện tình đất nước.

Giám Mục Nguyễn Văn Long phát biểu.
Giám Mục Nguyễn Văn Long phát biểu.

Tham dự buổi tưởng niệm có các thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Ban Tù Ca Xuân Điềm, ông Nguyễn Ngọc Trúc, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Úc, và một số nhân sĩ trong cộng đồng ở Little Saigon.

Ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ban tổ chức, chào mừng quan khách, cho biết ý nghĩa của buổi tưởng niệm và kêu gọi mọi người “cùng nhìn về hiện tình quê hương đất nước với tấm lòng tha thiết với tiền đồ dân tộc.”

“Chúng ta xót xa trước định mệnh nghiệt ngã mà quốc gia dân tộc phải gánh chịu. Vận mệnh đã khiến quốc gia dân tộc rơi vào tay Cộng Sản, nhưng định mệnh ấy cũng có thể thay đổi được bằng chính tiếng nói, đôi tay và bước chân của mọi con người Việt Nam,” ông Liêm nói.

Ông tiếp: “Cộng Sản đã làm cho dân tộc mất đi công lý, sự thật, những giá trị đạo lý tinh thần, mất bờ cõi đất đai biển cả của cha ông ngàn đời để lại, mất đi điều quý giá nhất của con người là tự do và nhân quyền. Chỉ có tự do, phải hy sinh bằng chính máu của mình, của những nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, mà hôm nay chúng ta sẽ tiếp sức đồng hành cùng với họ trên con đường tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc.”

Kế đến là phát biểu Giáo Sư Lê Tinh Thông, đại diện Quỹ Yểm Trợ Tranh Đấu Nhân Quyền Tại Việt Nam.

Ông nói các nhà đấu tranh tại Việt Nam, đa số là các bạn trẻ không bị khuất phục hay bị lừa gạt bởi chế độ Cộng Sản gian tà dối trá, như Nguyễn Viết Dũng, em đã không khiếp sợ khi còn ở trong tù, đã nhờ xâm hàng chữ tiếng Anh trên cánh tay trái “Government should be afraid of their people” (Chính phủ phải sợ người dân) và hàng chữ “Sát Cộng” bằng tiếng Việt ở phía dưới, lớn hơn hàng chữ tiếng Anh ở trên.

Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Ông cũng đề cập đến trường hợp Linh Mục Nguyễn Duy Tân, đã công khai so sánh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với ngày 30 Tháng Tư về một tương lai tươi sáng cho dân tộc.

“Vậy ai sẽ giúp những đồng bào kiên cường trong nước như linh mục Nguyễn Duy Tân và em Nguyễn Viết Dũng sớm chiến thắng cái ác, giúp ngày phục sinh của dân tộc mau chóng xảy ra, nếu không phải là sự tiếp tay cụ thể 4 triệu người Việt sống lưu vong vì chạy trốn Cộng Sản sẽ tạo nên sức công phá kỳ diệu, triệt tiêu chế độ bạo tàn?” ông đặt câu hỏi.

Tiếp nối chương trình, nhạc phẩm “Tổ Quốc Nghìn Năm,” sáng tác Song Thuận, do Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày, cùng với những bài hát tranh đấu khác trong suốt chương trình hừng hực khí thế đấu tranh.

Tiếp theo là phần phát biểu của Giám Mục Nguyễn Văn Long, qua đề tài “Vai trò tôn giáo trước hiện tình đất nước.”

“Nhiều người cho rằng tôn giáo và chính trị là hai thực thể tách biệt, không được trộn lẫn. Về Công Giáo, với tình thương và bác ái, chúng ta đã từng đóng góp tiền của cho việc xây nhà thờ, nhà xứ, trung tâm hành hương, nhưng lại rất thờ ơ với những vấn đề nhân quyền và công lý. Họ có thể cho 5 ngàn, 3 ngàn cho các giáo xứ, dòng tu ở Việt Nam, nhưng nếu chỉ mua một vé số thậm chí có 5 đồng thôi để ủng hộ cho những tù nhân lương tâm thì họ lại do dự, đắn đo, ngại ngùng, cho rằng đó là một việc làm chính trị,” Giám Mục Nguyễn Văn Long nói.

Giám mục nói tiếp: “Những lời nói, những cụm từ nghe thật tốt đẹp như ‘Tôn giáo và dân tộc,’ ‘Tốt đời đẹp đạo,’ ‘Giáo dân tốt, công dân tốt,’ ‘Kính Chúa yêu nước,’ ‘Đồng hành cùng dân tộc,’ hoặc như tấm hình các giám mục Việt Nam trong lễ xây dựng Trung Tâm Hành Hương Núi Cúi ở Giáo Phận Xuân Lộc, tại đây, lại có một cán bộ trung ương tới ban huấn từ cho họ. Đó chẳng qua là chiêu bài đồng hóa đảng Cộng Sản với dân tộc, biến lòng yêu nước thành lòng yêu đảng, và chống lại đảng là chống lại dân tộc.”

“Điều đáng buồn là liều thuốc an thần giả tạo này đang ru ngủ, vô cảm lương tri người Việt Nam, cả những tín hữu và lãnh đạo tôn giáo,” vị giám mục nói thêm.

Ban Tù Ca Xuân Điềm trong ca khúc đấu tranh.
Ban Tù Ca Xuân Điềm trong ca khúc đấu tranh.

Rồi giám mục dẫn lời tuyên ngôn của Chúa Giê Su tại Nazara, khi bắt đầu công cuộc cứu thế của ngài là: “Thần khí Chúa xức dầu thánh trên tôi, ngài sai tôi đi không phải đi xây nhà thờ, không phải đi làm một trung tâm hành hương, mà sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, sai tôi đi giải thoát cho những người bị giam cầm, sai tôi đi để đòi tự do cho những kẻ bị áp bức“

“Và Chúa Giê Su cũng nói rằng kể từ ngày hôm nay, những lời mà các ngươi vừa nghe sẽ được ứng nghiệm. Đức Kitô đi đến đâu ngài cũng thực hiện việc quan tâm đến người cùng khó trong xã hội, ngài đứng về phía những người nghèo hèn, bị áp bức bắt bớ thiệt thòi, ngài lên án những người dùng quyền lực địa vị và ảnh hưởng của mình để triệt hạ người khác, khuynh đảo xã hội,” vị giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Melbourne nói tiếp.

Giám Mục Nguyễn Văn Long nói thêm: “Đức Giám Mục Lê Hữu Từ từng thành lập khu Bùi Chu-Phát Diệm tự trị ở miền Bắc, với cả đội vũ trang tự vệ Công Giáo chống lại chính quyền Việt Minh, đã không ngần ngại dấn thân cho quê hương, đã vượt quá ranh giới thông thường của đạo và đời, tôn giáo và chính trị. Như thế, chúng ta không thể dửng dưng trước những vấn nạn xã hội do sự lãnh đạo hay thể chế chính trị gây ra, chúng ta không thể chỉ sống đạo đức là tìm những điều hay lẽ phải mà lại không quan tâm đến sự dữ, sự bất công đang tràn lan trên quê hương, chúng ta không thể yêu Chúa mà lại không để ý tới tiếng kêu van của dân oan, không thể để sự ác hoành hành trên quê hương đất nước chúng ta.”

Giám mục cho biết, trước khi là giám mục, ông là người Việt Nam, đã chịu ơn những anh hùng hào kiệt đã hy sinh cho tiền đồ dân tộc, đã chịu ơn những chiến sĩ VNCH đã bảo vệ tự do cho ông, đã chịu ơn những thuyền nhân không may mắn, chính vì những cái chết thương tâm của họ mà thế giới tự do đã đón nhận những người tỵ nạn Cộng Sản còn sống sót như ông và những người khác.

Như vậy, ông không thể không trăn trở với hiện tình đất nước, không thể nhắm mắt làm ngơ với thể chế chính trị Cộng Sản đang làm băng hoại cả một dân tộc

Ông cho biết, trong huy hiệu giám mục của ông có huy hiệu cờ vàng ba sọc đỏ và ông khẳng định rằng ông không thể nào quên được danh tính tỵ nạn của mình, và khẳng định lập trường là không bao giờ tách rời lý tưởng một Việt Nam không Cộng Sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của ông.

“Chỉ khi nào không còn Cộng Sản thì Việt Nam mới có thể vươn mình đứng dậy,” Giám Mục Long nói tiếp.

Bài phát biểu của Giám Mục Nguyễn Văn Long được mọi người tán thưởng.

Sau đó, slide show “Ngày Quốc Hận” được chiếu trên màn ảnh rộng cho mọi người thấy những hình ảnh trong chế độ Cộng Sản Việt Nam, từ những hình ảnh đấu tố tại miền Bắc ngày trước, đến các trại giam với những tù nhân lương tâm tàn tạ khi được thả về nhà, hoặc những cảnh đánh đập dã man các giáo dân, linh mục, tăng sĩ, dân oan, tín đồ tôn giáo, khắp nơi.

Sau đó, Linh Mục Mai Khải Hoàn và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hòa Hảo), đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, phát biểu.

Ông nói: “Dù là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, chúng ta đều phải có trách nhiệm tinh thần đối với tôn giáo của mình mà với lương tâm công chính, buộc phải chu toàn. Do đó khi xã hội bất công, ta phải góp sức cho nó được ổn định và bình đẳng, khi dân tộc nghèo đói, ta phải góp sức cho đất nước thịnh vượng phú cường, và khi đất nước lâm nguy, ta phải góp sức bảo vệ quê hương, trả ơn đất nước để không hổ thẹn với tiền nhân và hậu thế.”

Linh Mục Mai Khải Hoàn nói: “Chúng ta phải kiên trì với sứ mạng dạy đạo, sống đạo và hành đạo để gây ấn tượng sâu đậm và ảnh hưởng mạnh mẽ với quần chúng, nhất là giới trẻ và nhà cầm quyền Cộng Sản, cầu nguyện cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam sớm thức tỉnh gạt bỏ tư lợi, quay về phục vụ quê hương dân tộc, tổ chức các Thánh Lễ, cầu nguyện cho công lý, hòa bình tự do tôn giáo, kêu gọi và nhắc nhở mọi tín hữu nỗ lực cầu nguyện, tích cực ủng hộ các phong trào chính nghĩa quốc gia, kêu gọi tín hữu và đồng bào đoàn kết, can đảm đứng lên tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, tiếp tục tố cáo trước dư luận Hoa Kỳ và quốc tế về những vi phạm nhân quyền, thúc ép Cộng Sản Việt Nam tuân thủ công pháp quốc tế họ đã ký kết, nhất là cộng tác chặt chẽ với Hội Đồng Liên Tôn tại Việt Nam để trao đổi tin tức và yểm trợ lẫn nhau.”

Diễn giả kế tiếp là nhà văn Trần Phong Vũ.

Ông nói: “Tất cả mọi người ai cũng có tín ngưỡng. Nếu làm chính trị là góp phần vào nỗ lực diệt ác, khuyến thiện, tạo phúc lợi cho đồng bào thì không những không được lảng tránh, mà còn có trách nhiệm phải tích cực dấn thân, như đương kim Đức Giáo Hoàng Francis đã nhấn mạnh: ‘Người tín hữu của Chúa Kitô phải chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ nhân quyền, loại trừ bất công, áp chế để xây dựng một xã hội công bằng, tự do, nhân ái.’”

 

Print Friendly, PDF & Email