Chuyên gia: Có thể hơn nửa tỷ người Ấn Độ đã mắc Covid-19, 6 triệu ca tử vong
Ảnh chụp màn hình Youtube của BBC.
Ấn Độ đã ghi nhận gần 18 triệu người nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong do virus viêm phổi Vũ Hán, song chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp 30 lần.
Các nhân viên y tế và nhà khoa học ở Ấn Độ từ lâu đã cảnh báo rằng số trường hợp nhiễm và tử vong vì Covid-19 được báo cáo không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân, trong đó cơ sở hạ tầng yếu kém, lỗi con người và mức độ xét nghiệm thấp. Tuy nhiên, một số điều đã được cải thiện, ví dụ số xét nghiệm đã tăng lên rất nhiều sau làn sóng đầu tiên, nhưng mức độ thực sự của làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá Ấn Độ có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những con số chính thức.
Ông Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách ở New Delhi, nhận định: “Mọi người đều biết rằng cả số ca nhiễm và tử vong do viêm phổi Vũ Hán được báo cáo ở Ấn Độ đều là những con số thấp nhất. Năm ngoái, chúng tôi ước tính rằng trong 30 ca nhiễm thì chỉ có một ca được phát hiện thông qua xét nghiệm, vì vậy, số ca nhiễm được báo cáo đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng về số ca nhiễm thực tế. Lần này, số ca tử vong dường như cũng bị đánh giá thấp như vậy và những gì chúng ta thấy là số người chết trên thực tế ở Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với con số được công bố chính thức”.
Theo ước tính của ông Laxminarayan, số ca nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 ở Ấn Độ có thể cao gấp 30 lần báo cáo, đồng nghĩa với việc nước này có thể ghi nhận hơn nửa tỷ người nhiễm bệnh và khoảng 6 triệu người đã tử vong.
Theo các mô hình dự đoán từ Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington, số người chết hàng ngày của Ấn Độ vì dịch bệnh dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa tháng 5. Các dự đoán cho thấy, số ca tử vong có thể lên tới hơn 13.000 người một ngày, gấp hơn bốn lần con số hiện tại.
Ông Laxminarayan nói: “Tôi không nghĩ có gia đình nào mà không có ca tử vong vì Covid-19″.
Số ca mắc mới theo ngày tại Ấn Độ tăng liên tiếp suốt 7 ngày qua, với 360.960 ca tăng thêm trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn quốc lên gần 18 triệu người trong ngày 28/4. Đây cũng là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trên toàn cầu.
Ấn Độ cũng trải qua ngày “chết chóc” nhất từ đầu dịch khi Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã có thêm 3.293 trường hợp tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 trên toàn quốc lên 201.187 ca.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 149.000.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.151.000 ca tử vong.
Google và Microsoft sắp công bố báo cáo quý I
Alphabet, công ty mẹ của Google, và Microsoft có thể sắp gia nhập câu lạc bộ các công ty trị giá hơn 2 nghìn tỷ đô la, cùng với thành viên duy nhất hiện tại là Apple. Hôm nay hai gã khổng lồ công nghệ này sẽ công bố thu nhập quý khủng.
Đại dịch mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cặp đôi này. Các công ty — khách hàng quan trọng nhất của họ — đang đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số, giúp mảng điện toán đám mây của Alphabet và Microsoft một phen được mùa. Nhân viên văn phòng làm việc online thì dùng các ứng dụng như Microsoft Teams và Google Meet. Con người đang sống và giao tiếp trực tuyến nhiều hơn bao giờ hết, điều rõ ràng rất tốt cho mảng quảng cáo tìm kiếm của Google cũng như mảng game của Microsoft.
Các nhà phân tích dự đoán doanh thu quý đầu của Alphabet sẽ vào khoảng 50 tỷ đô la, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận là 11 tỷ đô la. Trong khi đó các nhà đầu tư của Microsoft sẽ hưởng mức tăng trưởng doanh thu hàng năm 17%, lên 41 tỷ đô la, và lợi nhuận 14 tỷ đô la. Sau khi giá cổ phiếu tăng vọt trong năm nay, dĩ nhiên cả hai đều không muốn gây thất vọng. Họ đã lên như diều gặp gió trong covid-19. Giờ là lúc họ cần vạch rõ hướng đi một khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tổng thống Biden tăng thuế thặng dư vốn
Tổng thống Joe Biden hôm nay sẽ công bố đề xuất tăng mức trần thuế thặng dư vốn (capital-gains tax) của Mỹ, một điều sẽ khiến các nhà đầu tư siêu giàu phiền lòng. Ông muốn đưa nó lên ngang mức của thuế thu nhập – khoản thuế mà ông cũng đang muốn tăng lên.
Người Mỹ kiếm được 1 triệu đô la trở lên sẽ phải đóng thuế thặng dư vốn cao nhất là 39,6%, tăng từ 20% hiện nay. Ngoài ra, các nhà đầu tư phải trả khoản thuế phụ thu đầu tư hiện tại là 3,8%, cũng như các khoản thuế thặng dư vốn ở cấp bang, cao nhất là 13,3% ở California. Họ còn bị đánh thuế nếu phát sinh lợi nhuận nhờ lạm phát. Hơn nữa, các công ty còn phải đóng thuế doanh nghiệp, khoản mà ông Biden cũng muốn tăng, trước khi họ trả tiền cho cổ đông.
Ông dự định sử dụng số thuế thặng dư vốn tăng thêm này để trang trải cho kế hoạch “Gia đình Mỹ” của ông, trong đó bao gồm cả chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc trẻ em. Đề xuất này của ông ngăn người giàu núp bóng thu nhập kiếm được dưới dạng lợi nhuận đầu tư. Tuy vậy cũng có rủi ro là nó sẽ kìm hãm đầu tư.
Tòa Tối cao Mỹ xem xét vụ kiện về tự do ngôn luận của học sinh
Hôm nay Tòa án Tối cao Mỹ sẽ cân nhắc xem các trường công lập có thể trừng phạt học sinh vì các phát ngôn trên mạng xã hội hay không. Vụ Khu học chính Mahanoy Area v B.L. có liên quan đến một hoạt náo viên học sinh của Pennsylvania, người đã đăng đàn xả giận trên Snapchat khi cô không lọt vào đội hình chính của đội mình. Cuối tuần vừa rồi, cô đăng một bức ảnh ngón tay thối kèm theo thông điệp “fuck school fuck softball fuck cheer fuck everything”. Vụ việc này xem ra đã không làm các huấn luyện viên hài lòng. Họ cấm cô ấy khỏi đội trong vòng một năm.
Cô gái tuổi teen này đã kiện và hai tòa án ra phán quyết hình phạt này vi phạm quyền tự do ngôn luận của cô. Tuy nhiên, các thẩm phán đối mặt với một tình huống khó phân giải đó là liệu phát biểu ngoài trường có thể bị kiểm soát hay không. Luật sư của cô gái nói sự giám sát như vậy sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng” quyền tự do ngôn luận của thanh thiếu niên. Nhà trường phản pháo rằng nỗi sợ về “sự chuyên chế của nhà trường” bị thổi phồng quá mức và các quản trị viên cần có công cụ để chống lại phát ngôn “xấu”, chẳng hạn như quấy rối và bắt nạt.
Pháp sắp đặt ra luật chống khủng bố mới
Năm ngày trước, một nữ quan chức cảnh sát đã bị đâm chết tại đồn cảnh sát ở Rambouillet tây nam Paris trong một vụ tấn công khủng bố. Hôm nay chính phủ Pháp sẽ xem xét một dự thảo luật chống khủng bố mới.
Đạo luật mới nhất của Tổng thống Emmanuel Macron, vốn đã soạn sẵn từ trước vụ án mạng, sẽ chính thức hóa các biện pháp chống khủng bố tạm thời có từ năm 2017. Các biện pháp này cho phép lực lượng tình báo sử dụng thuật toán để phát hiện liên lạc của những kẻ khủng bố với nhau. Chúng cũng giúp cảnh sát dễ dàng đột kích vào nhà của nghi phạm, quản thúc tại gia và đóng cửa những nơi thờ tự.
Dự luật này sẽ tăng cường giám sát các tù nhân mới tự do sau khi mãn hạn tù liên quan khủng bố. Có khoảng 110 người như vậy sẽ được trả tự do trong năm 2023, đặt ra một thách thức mới đối với lực lượng an ninh vốn đã căng sức của Pháp. Kể từ năm 2017, nước này đã tuyển thêm 1.900 quan chức tình báo và ngăn chặn 36 âm mưu khủng bố. Nhưng những kẻ khủng bố vẫn tiến hành được 14 vụ.
Tàu chiến Mỹ bắn cảnh cáo sau khi đụng độ tàu Iran
Một tàu chiến Mỹ (ảnh: Từ video của US Defense News)
Quân đội Hoa Kỳ hôm 27/4 cho biết, một tàu chiến của họ đã bắn cảnh cáo sau khi 3 tàu của Hải quân Iran áp sát con tàu này và một tàu tuần tra khác của Mỹ ở vùng Vịnh, theo Reuters.
Tuyên bố của quân đội Mỹ cho hay: “Các thủy thủ đoàn Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều cảnh báo thông qua phương tiện phát thanh và các thiết bị báo động lớn, nhưng các tàu của Hải quân Iran vẫn tiếp tục tiến lại gần”.
“Phi hành đoàn của [tàu] Firebolt sau đó đã bắn các phát súng cảnh cáo và các tàu của Hải quân Iran đã di chuyển đến một khoảng cách an toàn hơn so với các tàu của Mỹ”.
Khoảng cách gần nhất mà tàu tấn công nhanh ven bờ của Iran áp sát tàu Mỹ là 68 thước Anh (tương đương 62m) trong sự cố diễn ra hôm 26/4 trên vùng nước quốc tế ở Vùng Vịnh.
Đại diện quân đội Mỹ nói rằng, còn quá sớm để xác định động cơ chính xác của các tàu Iran, nhưng cho biết, nhìn chung, trong quá khứ những vụ việc như vậy được thực hiện bởi các chỉ huy quân đội Iran cấp địa phương chứ không phải do các nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền Iran chỉ đạo.
600,000 dân Ấn Độ vẫn hành hương bất chấp dịch COVID-19
Ấn Độ vẫn tiếp tục tổ chức hành hương cho 600.000 người giữa lúc dịch COVID-19 lây lan mạnh khiến gần 200 nghìn người tử vong.
Theo VnExpress dẫn nguồn từ trang tin DW cho biết, chính quyền vùng Kashmir, Ấn Độ vẫn lên kế hoạch chuẩn bị nơi lưu trú cho 600.000 tín đồ Hindu tham gia lễ hành hương Amarnath, giữa lúc dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại nước này.
Cụ thể hơn, giới chức Kashmir đã phải tạm dừng việc cho phép người Ấn đăng ký trên website để tham dự sự kiện hành hương về ngôi đền thiêng trong hang động Amarnath, song thông báo rằng sự kiện này vẫn diễn ra theo lịch trình lên sẵn là từ ngày 28/6 đến 22/8.
Chính quyền Kashmir còn lên kế hoạch dựng hai khu trại Baltal và Chandanwari làm điểm dừng chân cho các tín đồ Hindu hành hương về Amarnath. Ngôi đền này nằm trên độ cao 3.880 mét so với mực nước biển, mỗi năm đón hàng trăm nghìn tín đồ Hindu đổ về.
“Tình hình đang tồi tệ khắp Ấn Độ. Sẽ tốt hơn nếu cuộc hành hương Amarnath được tổ chức năm nay chỉ mang tính tượng trưng, khi chỉ có một vài người được phép tới thăm ngôi đền. Nếu không như vậy, cuộc hành hương này sẽ trở thành ‘thảm họa’. Đó có thể sẽ là một ‘sự kiện siêu lây nhiễm chết người’ trong bối cảnh hệ thống y tế tại đây rất nghèo nàn”, chính trị gia vùng Kashmir, ông Tanvir Sadiq nói với hãng tin DW.
“Với công tác tiêm chủng được tiến hành và số ca nhiễm mới theo ngày giảm, các nhà chức trách đã mất cảnh giác và cho phép nối lại những sự kiện đông đúc, và nay thì mọi thứ có vẻ như đang sụp đổ”, một quan chức giấu tên phụ trách khu vực Jammu thuộc vùng Kashmir nói.
Số liệu được Ban quản lý đền thờ Shri Amarnath (SASB), cơ quan tổ chức cuộc hành hương, cung cấp cho thấy, có ít nhất 30.000 người từ nhiều vùng khác nhau ở Ấn Độ đã đăng ký tham gia cuộc hành hương trong tháng này. Và dường như chính quyền Ấn Độ vẫn chưa rút ra được bài học từ “sự kiện siêu lây nhiễm” Kumbh Mela được tổ chức trước đó.
Tiết lộ sốc về tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ
Báo Vietnamnet dẫn tin từ trang India Today cho hay, Chính phủ Ấn Độ cho biết, nếu một người nhiễm Covid-19 không tuân thủ giãn cách xã hội, anh ta sẽ lây bệnh cho 406 người khác trong vòng 30 ngày.
Sau khi đưa ra cảnh báo trên, Chính phủ Ấn Độ ngày 26/4 cũng nhắc lại rằng việc giãn cách xã hội và dùng khẩu trang vẫn tiếp tục là các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona, trang India Today đưa tin.
Tuyên bố tại một cuộc họp báo, ông Lav Agrawal, thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ dẫn các nghiên cứu cho biết như vậy.
Ông Lav Agrawal nói, các trường đại học đã nghiên cứu và thấy rằng nếu một người dương tính với Covid-19 không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, thì trong vòng 30 ngày, anh ta sẽ lây bệnh cho 406 người.
Tuy nhiên, nếu giảm tiếp xúc 50%, người bệnh này sẽ chỉ lây nhiễm cho 15 người trong vòng 30 ngày, thay vì 406 người. Nếu cả người nhiễm Covid-19 và người khỏe đều đeo khẩu trang thì khả năng lây nhiễm virus chỉ là 1,5%.
Ông Lav Agrawal nhấn mạnh, một mặt cần tập trung quản lý việc khám và điều trị, mặt khác phải tập trung kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Quan chức này nhấn mạnh tới việc phải dùng khẩu trang.
“Nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta đứng cách nhau 1,8m thì vẫn có khả năng người nhiễm Covid-19 truyền virus cho một người khỏe mạnh. Nếu dùng khẩu trang không đúng cách, thì 90% khả năng một người nhiễm virus sẽ lây bệnh cho một người không nhiễm”.
Ông Lav nói thêm, nếu một người khỏe mạnh đeo khẩu trang tiếp xúc với một người nhiễm Covid-19 không đeo khẩu trang thì khả năng lây bệnh là 30%. Nếu cả hai đều đeo khẩu trang thì khả năng lây nhiễm chỉ là 1,5%. Đeo khẩu trang kết hợp với đứng cách nhau 1,8m thì nguy cơ lây bệnh giữa hai người là không đáng kể.
Theo thống kê mới nhất, Ấn Độ hôm nay ghi nhận hơn 320.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 17,6 triệu. Trong vòng 24h qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 2.771 ca tử vong, tương đương 115 người qua đời mỗi giờ, thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ.
Úc nâng cấp căn cứ quân sự, mở rộng tập trận với Mỹ để đối phó với Trung Quốc
Binh lính Úc tập đổ bộ lên bãi biển Langham trong cuộc tập trận chung Talisman Saber giữa Úc với Hoa Kỳ tại Queensland, đông bắc Úc, ngày 13/07/2017. REUTERS – JASON REED
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 28/04/2021 cho biết, Canberra sẽ chi 747 triệu đô la Úc (580 triệu đô la Mỹ) để nâng cấp 4 căn cứ quân sự ở phía bắc và mở rộng các cuộc tập trận với Hoa Kỳ, để có khả năng ứng phó với những căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Công cuộc hiện đại hóa quân đội Úc sẽ bắt đầu trong năm 2021 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2026. Theo Reuters, khoản tiền gần 750 triệu đô la Úc là một phần của kế hoạch quốc phòng được thông báo từ năm ngoái, theo đó, chính quyền Canberra sẽ chi 270 tỷ đô la trong thập kỷ tới để cải thiện khả năng tấn công tầm xa của Úc.
Gói nâng cấp khả năng quân sự mới được công bố có quy mô lớn hơn và tốn kém hơn so với kế hoạch đầu tiên được đưa ra cách nay 2 năm và sẽ cho phép tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với các lực lượng Mỹ, bao gồm cả lính thủy đánh bộ Mỹ luân chuyển ở cảng Darwin ở phía bắc.
Trong bài diễn văn hôm nay, thủ tướng Scott Morrison đã nhấn mạnh Úc sẽ luôn làm những gì cần thiết để bảo đảm có đủ khả năng phòng thủ và bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông Morrison phát biểu thêm : “Bằng cách hợp tác với Hoa Kỳ, các đồng minh và các nước láng giềng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích của Úc và đầu tư vào lực lượng phòng vệ của Úc (…) Mục đích của chúng tôi là mong muốn hòa bình, ổn định và một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, với một trật tự thế giới thúc đẩy tự do.”
Bộ trưởng Nội Vụ Mike Pezzullo đã cảnh báo quan hệ của Úc – Trung Quốc đang xấu đi và căng thẳng trong khu vực cũng gia tăng do vấn đề Đài Loan. Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton hôm Chủ Nhật cũng lưu ý không nên coi nhẹ cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Publicité
AFP nhắc lại, vào năm 2020, chính phủ của thủ tướng Morrison đã tiết lộ kế hoạch tăng cường đáng kể sức mạnh cho quân đội với vũ khí công nghệ cao, trong bối cảnh phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia quốc phòng thậm chí còn gợi ý Canberra nên xem xét khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, vì vũ khí thông thường của Úc khó có thể bảo vệ đất nước – lục địa rộng lớn này, nếu Úc bị tấn công.
Thống đốc nhiều bang phàn nàn về thái độ của Biden, Harris với Covid
Bà Kamala Harris (ảnh: Shutterstock).
Thống đốc một số tiểu bang cho biết hàng tuần họ gọi đến Văn phòng Tổng thống cùng tham gia một cuộc họp để báo cáo và xin chỉ thị về việc phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, tuy nhiên Tổng thống Biden và phó tướng Harris không nghe máy.
Theo tờ RealClearPolitics, trên thực tế, ông Biden đã không tham gia bất kỳ cuộc gọi điều phối hàng tuần nào về Covid-19 với các thống đốc bang kể từ khi ông nhậm chức tổng thống, một sự tương phản rõ rệt với người tiền nhiệm của ông.
Vào thứ Ba hàng tuần, thường vào lúc 11 giờ sáng, tất cả 50 thống đốc quay số để tham gia cùng một cuộc gọi hội nghị để điều phối các phản ứng của liên bang và tiểu bang đối với cuộc khủng hoảng Covid. Tuy nhiên, họ mới chỉ được đáp lời một lần từ Phó Tổng thống Harris. Các cuộc gọi vẫn tiếp tục diễn ra nhưng không có sự tham gia của Tổng thống Biden.
Nhận cuộc gọi và thảo luận với các thống đốc chỉ có điều phối viên dịch Covid của Tòa Bạch Ốc, và Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của chính phủ Mỹ.
Thống đốc Chris Sununu của tiểu bang New Hampshire nói với RealClearPolitics: “Đó là một sự thất vọng thực sự, tôi nghĩ có thể nói chắc rằng là với tất cả 50 thống đốc”.