Hoa Kỳ bác tin đạt thỏa thuận về tù nhân với Iran

02/05/2021 – AP

Phát ngôn viên Ned Price.

Đài truyền hình nhà nước hôm 2/5 đưa tin rằng Iran sẽ trả tự do cho các tù nhân có quan hệ với phương Tây ở Iran để đổi lấy hàng tỷ đôla từ Hoa Kỳ và Anh. Hoa Kỳ ngay lập tức bác bỏ tin này.

Truyền hình nhà nước đưa tin, dẫn lời một quan chức giấu tên, ngay khi Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei bắt đầu một bài phát biểu được chính quyền nói là “quan trọng”. Tuy nhiên, ông Khamenei đã không ngay lập tức thảo luận về bất kỳ sự trao đổi dự kiến nào trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán ở Vienna về thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc trên thế giới.

Quan chức được đài truyền hình nhà nước Iran trích lời cho biết rằng một thỏa thuận đạt được giữa Hoa Kỳ và Tehran liên quan đến việc trao đổi tù nhân để đổi lấy việc trả 7 tỷ đôla tiền bị phong tỏa của Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ngay lập tức phủ nhận tin của kênh truyền hình nhà nước Iran.

“Tin tức về việc đạt được một thỏa thuận trao đổi tù nhân không đúng sự thật”, ông Price nói. “Như chúng tôi đã nói, chúng tôi luôn nêu lên các trường hợp người Mỹ bị giam giữ hoặc mất tích ở Iran. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi có thể đoàn tụ họ với gia đình”.

Phát ngôn viên Price không cho biết thêm các chi tiết khác.

Tehran hiện đang giam giữ 4 người Mỹ, trong đó có nhà hoạt động vì môi trường Morad Tahbaz và doanh nhân người Mỹ gốc Iran Emad Shargi.

Tin của kênh truyền hình nhà nước không ngay lập tức nêu tên những người Iran mà Tehran hy vọng sẽ được trao đổi.

Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông

Reuters

Ảnh: Youtube/DKN.TV.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – Delfin Lorenzana cho biết hôm Chủ nhật (2/5) rằng nước này sẽ tiếp tục các cuộc tập trận hàng hải bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và yêu cầu dừng ngay các cuộc diễn tập, hành động mà họ cho là có thể leo thang tranh chấp, Reuters cho hay.

Lực lượng tuần duyên và cục ngư nghiệp của Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận hàng hải vào tháng trước, tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực để chống lại sự hiện diện “đe dọa” của các tàu thuyền Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, qua đó có khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại qua tàu thuyền mỗi năm, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, rằng tuyên bố của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố: “Việc tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông sẽ tiếp tục”. Ông nói: “Chính phủ sẽ không dao động trong quan điểm của mình”.

Sự hiện diện kéo dài của hàng trăm tàu ​​thuyền Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và các nước trong khu vực tại vùng biển có tuyên bố chủ quyền đã làm dấy lên căng thẳng với chính quyền Bắc Kinh.

Trong khi ông Duterte vẫn coi Trung Quốc là “một người bạn tốt”, nhà lãnh đạo cao nhất của Philippines tuần trước nói: “Có những điều không thực sự phải thỏa hiệp … Tôi hy vọng họ sẽ hiểu nhưng tôi có lợi ích của đất nước tôi cũng cần đươc bảo vệ ”.

Ông Lorenzana cho biết Philippines “có thể thân thiện và hợp tác với các quốc gia khác nhưng không làm mất chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng tôi”.

Có ít nhất 8 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình lớn ở Myanmar hôm Chủ Nhật

Reuters dẫn tin từ truyền thông địa phương cho biết các lực lượng an ninh Myanmar hôm chủ Nhật (ngày 2/5) đã nổ súng vào các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.

Các cuộc biểu tình mới nhất được phối hợp với các sự kiện tượng tự trong nhiều cộng đồng Myanmar trên khắp thế giới với thông điệp: “”Hãy lay động thế giới bằng tiếng nói đoàn kết của người Myanmar”.

Hãng tin Mizzima đưa tin, dòng người biểu tình, một số do các nhà sư Phật giáo dẫn đầu, đã đi qua các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước, bao gồm cả trung tâm thương mại Yangon và thành phố lớn thứ hai Mandalay, nơi hai người bị bắn chết.

Trang tin Irrawaddy trước đó đã đăng bức ảnh một người đàn ông được cho là nhân viên an ninh mặc thường phục đang ngắm bắn bằng súng trường ở Mandalay.

Hãng thông tấn Myanmar Now cho biết 3 người đã thiệt mạng ở thị trấn trung tâm Wetlet và 2 người thiệt mạng ở các thị trấn khác nhau ở bang Shan ở phía đông bắc. 

Kachin News Group thì cho biết một người cũng thiệt mạng tại thị trấn khai thác ngọc bích phía bắc Hpakant. 

Ở một số nơi, dân thường với vũ khí thô sơ đã chiến đấu với lực lượng an ninh, trong khi ở các khu vực trung tâm, các cơ sở quân sự và chính phủ được bảo vệ an toàn qua lớp đã bị tấn công bởi tên lửa và hàng loạt vụ nổ nhỏ không rõ nguyên nhân.

Nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 759 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính. Tuy nhiên quân đội chỉ xác nhận cái chết của 248 người biểu tình.

Trung Quốc tuyên bố về cuộc tập trận của tàu sân bay tại Biển Đông

Nikkei

Tàu Liêu Ninh, Trung Quốc (ảnh: Youtube/CGTN).

Quân đội Trung Quốc hôm 2/5 tuyên bố rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông của của họ đã kết thúc một cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, theo Nikkei.

Sơn Đông được đưa vào hoạt động năm 2019 và là tàu sân bay mới hơn hai tàu sân bay còn lại của quân đội Trung Quốc.

Gao Xiucheng, phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc khẳng định: “Cuộc tập trận là hoàn toàn hợp pháp và có lợi trong việc cải thiện khả năng của đất nước trong việc duy trì chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Ông Gao nói thêm rằng, Trung Quốc hy vọng thế giới sẽ nhìn nhận cuộc tập trận này từ quan điểm khách quan và hợp lý. Ông cho biết hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận như vậy theo lịch trình của họ.

Theo Nikkei, vào tháng trước, Hải quân Trung Quốc lưu ý, các cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Đài Loan, quốc đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là phần lãnh thổ không thể chia cắt của họ.

Bắc Hàn bác bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, gọi cách tiếp cận của Biden là ‘không thể dung thứ’

Người phụ trách các vấn đề Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Truyền thông Bình Nhưỡng đưa tin, Triều Tiên đã bác bỏ ý định đàm phán với Washington, dán nhãn ngoại giao của Mỹ là “giả mạo”, một ngày sau khi chính quyền Biden tuyên bố rằng họ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ngoại giao về phi hạt nhân hóa, The Guardian cho hay.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong một loạt tuyên bố của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm Chủ nhật rằng “các dấu hiệu giả mạo” để Mỹ “che đậy các hành vi thù địch” của mình. 

Kwon Jong Gun, người phụ trách các vấn đề Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã trích dẫn bài phát biểu chính sách đầu tiên của Joe Biden trước Quốc hội hôm thứ Tư, mà trong đó nói rằng các chương trình hạt nhân ở Triều Tiên và Iran đặt ra các mối đe dọa, và nó sẽ được giải quyết thông qua “ngoại giao và răn đe nghiêm khắc”. 

Ông Kwon nói bài phát biểu của Biden là “không thể dung thứ” và là “một sai lầm lớn”.

Giờ đây, chính sách của Biden đã trở nên rõ ràng, Triều Tiên “sẽ buộc phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng, và theo thời gian, Mỹ sẽ thấy mình ở một tình huống rất nghiêm trọng”, ông Kwon kết luận. 

Trong một tuyên bố riêng, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao đã cáo buộc Washington xúc phạm nhân phẩm của lãnh đạo tối cao của đất nước bằng cách chỉ trích tình hình nhân quyền của Triều Tiên. Người phát ngôn giấu tên cho biết, những lời chỉ trích về nhân quyền là một hành động khiêu khích cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc đọ sức toàn diện với Triều Tiên và sẽ được đáp trả tương ứng.

Nhà đầu tư Trung Quốc ‘dồn’ 135 tỷ pound mua cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp… của Anh

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh: Từ video của CGTN)

Theo một cuộc điều tra của Sunday Times, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Điều tra cho thấy 40% trong số 200 khoản đầu tư đã được phát hiện kể từ năm 2019 trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư số tiền lên tới 135 tỷ bảng Anh để mua các doanh nghiệp, trường học, tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh. Trong số 135 tỷ bảng Anh này, ít nhất 44 tỷ bảng đến từ các thực thể thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tuy nhiên, tờ Sunday Times cũng lưu ý rằng giá trị của “hàng chục các khoản đầu tư” là không thể xác định. Do đó quy mô thực sự của việc Trung Quốc xâm nhập vào Anh có thể cao hơn nhiều so với mức 135 tỷ bảng Anh đã được tờ báo này xác định.

Trong điều tra, các công ty hoặc nhà đầu tư từ Trung Quốc được tiết lộ đã sở hữu cổ phần trong các dự án cơ sở hạ tầng như Thames Water, sân bay Heathrow và Mạng lưới điện của Vương quốc Anh. Người Trung Quốc cũng đã mua khoảng 57 tỷ bảng Anh cổ phiếu trong các công ty FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London) cũng như tài sản trị giá 10 tỷ bảng trên khắp nước Anh.

Cựu lãnh đạo đảng Tory, Duncan Smith, nhận xét: “Ngày nay, bằng chứng này cho thấy mức độ nguy hiểm trong việc tiến tới sự kiểm soát của Trung Quốc trong các khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng ta”.

Ông nói thêm: “Trung Quốc đặt ra mối đe dọa chiến lược lớn nhất, duy nhất đối với Vương quốc Anh và thế giới tự do và chúng ta phải đảm bảo mình hiểu chính xác cách Trung Quốc bắt đầu kiểm soát cơ bản các khu vực quan trọng của các nền kinh tế, không chỉ ở Anh mà còn ở nước ngoài”.

Người sáng lập và chủ tịch tổ chức nhân quyền Hồng Kông Watch, Benedict Rogers, mô tả kết quả cuộc điều tra này là “cực kỳ đáng báo động”. Ông nói: “Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần khẩn cấp tách rời, chấm dứt sự phụ thuộc chiến lược và tháo gỡ khỏi nanh vuốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Rogers cho biết thêm: “Để cho [việc phụ thuộc vào ĐCSTQ] tiếp tục là điều ngu ngốc và vô cùng nguy hiểm”.

17 trường công lập, theo cách nói của Anh là thuộc sở hữu tư nhân chứ không phải nhà nước, cũng được xác định đã nhận đầu tư từ Trung Quốc. Theo Breitbart, một cuộc điều tra vào tháng 2 cho thấy các trường học ở Anh đang giới thiệu cho học sinh phiên bản về một Trung Quốc đã được “tẩy sạch”. Thậm chí, một trường còn công khai thừa nhận rằng mục đích ĐCSTQ đầu tư vào giáo dục Anh là để tuyên truyền cho sáng kiến ​​toàn cầu Một vành đai, Một con đường của nó.

Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Brexit Nigel Farage cho biết “Về bản chất, đây không khác gì việc ĐCSTQ tiếp quản một phần khu vực giáo dục tư nhân của Anh”.

Các trường đại học ở Anh cũng bị giám sát chặt chẽ hơn khi hợp tác với chính quyền Trung Quốc để phát triển công nghệ vũ khí. Vụ bê bối đã khiến cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh mở cuộc điều tra đối với “một số trường đại học danh tiếng nhất trong nước” vì có thể vi phạm luật an ninh quốc gia.

Ước tính khoảng 200 viện sĩ Anh cũng được cho là đang bị điều tra vì cáo buộc chia sẻ bí mật công nghệ quân sự với Trung Quốc

Bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh về các vấn đề như hành động tàn bạo nhân quyền ở Tân Cương và vi phạm Tuyên bố chung Sino-Anh về Hồng Kông, Thủ tướng Boris Johnson được cho là vẫn đang tích cực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Bắc Kinh.

Thái Lan ngày thứ hai ghi nhận số tử vong COVID-19 kỷ lục

Reuters

Người dân Thái Lan xếp hàng chờ tiêm chủng.

Bộ Y tế Thái Lan hôm 2/5 ghi nhận 1.940 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, trong khi số ca tử vong hàng ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu vẫn ở mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp với 21 ca.

Thái Lan hầu như đã kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn đầu của đại dịch bằng cách triển khai các biện pháp như đóng cửa nền kinh tế và kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Nhưng trong đợt bùng phát thứ ba gây nhiều chết chóc hơn, vốn bắt đầu vào đầu tháng 4, xuất hiện biến thể B.1.1.7 có khả năng lây lan cao và đã gây ra khoảng một nửa tổng số ca nhiễm và tử vong.

Con số ghi nhận hôm 2/5 đã nâng tổng số ca nhiễm được xác nhận của Thái Lan kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái lên 68.984 người. Tổng số người chết hiện là 245 người.

Cho đến nay, Thái Lan đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho gần 1,5 triệu người, chủ yếu là nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương, sử dụng vắc xin nhập khẩu của Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca.

Một chương trình tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu vào tháng 6 với các liều AstraZeneca được sản xuất trong nước.

Chính quyền cuối tuần này đã cho công chúng đăng ký tiêm vắc xin với mục tiêu tiêm cho 70% người trưởng thành ở đất nước hơn 66 triệu dân này.

EU lên tiếng về căng thẳng trên Biển Đông

Liên minh châu Âu (EU) mới lên tiếng về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, “trong đó có sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc ở Đá Ba Đầu”.

Tổ chức gồm hàng chục nước thành viên này nói rằng sự leo thang căng thẳng đó “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.

“EU cam kết đảm bảo các tuyến hàng hải an toàn, tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đảm bảo lợi ích của tất cả các bên”, EU nói trong thông cáo ra ngày 24/4.

Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với bất kỳ hành động đơn phương nào mà có thể gây tổn hại tới sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên các nguyên tắc quốc tế”.

EU còn “thúc giục tất cả các bên giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp” và “nhắc lại Phán quyết của Tòa Trọng tài được đưa ra trong khuôn khổ UNCLOS vào ngày 12/7/2016”.

Phán quyết này bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền và khẳng định rằng Bắc Kinh “không có chủ quyền lịch sử” đối với vùng biển rộng lớn. Tuy nhiên, chính quyền đông dân nhất thế giới đã bác bỏ phán quyết này.

Trong thông cáo, Liên minh châu Âu cho biết “ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử dựa trên luật pháp, hiệu quả và thực chất, mà không làm phương hại đến những lợi ích của các bên thứ ba”.

“EU thúc giục tất cả các bên hướng tới những nỗ lực chân thành để hoàn tất Bộ Quy tắc này”, tuyên bố của Liên minh châu Âu có đoạn.

Theo Reuters, EU tuần trước đã công bố một chính sách mới để tăng cường ảnh hưởng của khối ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm chống lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.

Cũng trong tuần trước, Philippines đã lên tiếng tiếp tục phản đối Trung Quốc không rút các tàu mang tính “đe dọa” mà Manila cho là thuộc lực lượng dân quân trên biển tại Đá Ba Đầu.

Tháng trước, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Đá Ba Đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nói rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

“Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS”, bà Hằng nói.

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)”.

Nữ phát ngôn viên nói rằng “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”.

Nhật Bản đang tìm hiểu nguyên nhân tàu Trung Quốc và Nga ‘lảng vảng’ ở biển Hoa Đông

Ảnh minh họa (ảnh chụp màn hình Youtube/South China Morning Post).

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin Cục Giám sát Tham mưu Liên hợp của Bộ Quốc phòng Nhật bản cho biết hôm thứ Bảy (1/5) rằng một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã đi vào Biển Hoa Đông từ vùng biển giữa đảo Yonaguni ở tỉnh Okinawa và Đài Loan hôm thứ Bảy, theo RFA.

Trước đó, tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã đi về phía nam giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako, tiến vào Thái Bình Dương, sau đó đi về hướng tây về phía đảo Yonaguni. Đảo Yonaguni nằm ở cực tây của Nhật Bản, cách Nghi Lan, Đài Loan khoảng 110 km về phía đông. Con tàu không đi vào lãnh hải của Nhật Bản, cũng như không có hành vi nguy hiểm đối với tàu và máy bay của Lực lượng Phòng vệ.

Cục Giám sát và Tham mưu liên hợp Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển giữa đảo Yonaguni và Đài Loan. Bộ Quốc phòng cho rằng quân đội Trung Quốc đã hoạt động tích cực hơn ở Biển Hoa Đông, và Nhật Bản cần tăng cường cảnh giác.

Ngoài ra, Cục Giám sát Tham mưu Liên hợp đã phát hiện ra rằng hai tàu khu trục của Hải quân Nga đã đi về phía nam qua eo biển Tsushima và hướng đến Biển Hoa Đông vào tối thứ Sáu tuần trước (30/4). Nhật Bản đang phân tích chi tiết ý định của tàu Trung Quốc và Nga khi lảng vảng ở vùng biển Hoa Đông.

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cũng phát hiện một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc di chuyển cách đảo Miyako khoảng 150 km về phía đông bắc vào khoảng 1 giờ sáng ngày thứ 6. Lực lượng Phòng vệ đã điều động các máy bay tuần tra và tàu khu trục nhỏ để giám sát sự di chuyển của các tàu khu trục PLA.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đã đi qua vùng biển giữa đảo chính của Okinawa và đảo Miyako vào tháng 4, và Nhật Bản đã phát hiện ra một máy bay tuần tra và máy bay thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc cũng bay cùng.

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Name

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.