Quê Hương tổng hợp
Việt Nam – Philippines đạt thỏa thuận về an ninh Biển Đông
30/01/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 30/1/2024
AFP
Việt Nam và Philippines vừa ký kết hai thỏa thuận liên quan đến tình hình an ninh trên khu vực Biển Đông, theo hãng tin Reuters.
Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tới Việt Nam từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 1.
Hai thỏa thuận được ký kết tại Hà Nội được cho là liên quan đến hai lĩnh vực gồm: ngăn chặn sự cố trên khu vực Biển Đông và hợp tác biển.
Việt Nam và Philippines trở thành ‘đối tác chiến lược’ vào năm 2015, tuy nhiên, phải đến khi tổng thống Marcos Jr. lên nắm quyền ở Philippines, thì quan hệ hai nước mới bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực xung quanh vấn đề Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính của phía Việt Nam, Tổng thống Marcos Jr. cho biết thỏa thuận hợp tác biển sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển của hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, để cùng huấn luyện, trao đổi cán bộ và tàu thuyền, và tiến tới việc thực hiện nhiệm vụ cùng nhau.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính của phía chủ nhà cho rằng hai nước cần phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái bình dương, cho biết phản ứng của ông trước việc Việt Nam và Philippines tăng cường hợp tác trên Biển Đông:
“Đây là điều rất tích cực bởi vì hai nước là đối tác chiến lược của nhau. Nhưng mối quan hệ đó chưa từng được khai thác một cách tối đa. Nhưng dưới sự lãnh đạo của tổng thống Marcos, khi an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ được chú trọng hơn, thì ông ấy đã chủ trương hợp tác với các quốc gia trong khu vực.
Việc lực lượng cảnh sát biển của hai nước hợp tác với nhau là rất quan trọng, bởi vì đây là lực lượng ở tuyến đầu, có vai trò hỗ trợ ngư dân, duy trì trật tự trên biển, và thực thi luật pháp quốc tế. Do vậy, đây là tình huống cả đôi bên đều có lợi.”
Đây rõ ràng là sự phát triển tích cực đối với quan hệ song phương giữa Việt Nam và Philippines, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với cả hai nước Đông Nam Á, sẽ thấy hài lòng.
Trong ngày 29 tháng 1, tờ Hoàn cầu Thời báo, thuộc sở hữu của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho đăng bài viết bình luận về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Philippines, và đưa ra lời cảnh báo “xung đột sẽ gia tăng” nếu sự hợp tác giữa hai quốc gia Đông Nam Á đụng chạm đến lợi ích của Trung Quốc.
Cả Việt Nam và Philippines đều đã có những cuộc đụng độ với lực lượng hải giám của Trung Quốc trong những năm qua trên khu vực Biển Đông.
Vì vậy, có vẻ như phía Việt Nam đã chủ động tránh thu hút chú ý vào yếu tố hợp tác với Philippines trong lĩnh vực an ninh trên Biển Đông, bằng chứng là trong các bài báo tường thuật về lễ ký kết các thỏa thuận giữa hai quốc gia của truyền thông trong nước, thì lĩnh vực này không được nhắc đến.
Thay vào đó thì xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines được chọn làm tâm điểm.
Bình luận về khía cạnh này, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải, tại trường đại học New South Wale, cho biết đúng là phía Việt Nam đã tỏ ra rất thận trọng để tránh sự “soi mói” của Trung Quốc:
“Trên thực tế thì Việt Nam cũng tương đối thận trọng trong việc tiếp cận vấn đề, ở đây là cái điều khoản cụ thể trong mối quan hệ hàng hải với Philippines, để tránh sự soi mói của Trung Quốc.
Philippines họ muốn có một số cơ chế tương tự như những cơ chế mà họ đã có với Mỹ, Nhật Bản, và Úc (các đồng mình của Philippines). Và Việt Nam thì lại không muốn Trung Quốc diễn giải mối quan hệ Việt Nam-Philippines, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo hướng chống Trung Quốc.
Philippines muốn rất nhiều, những phía Việt Nam, thể hiện thông qua hai văn bản, thì nhẹ hơn rất nhiều so với những gì Phillipines muốn.”
Về phía mình thì Giáo sư Carlyle Thayer cũng cho rằng Việt Nam tuy đẩy mạnh quan hệ với Philippines, nhưng đồng thời cũng muốn tránh gây căng thẳng thêm với Trung Quốc.
THƯA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Lưu Trọng Văn – 30/01/2024
Báo Giáo dục VN còn đó lời kể của bà Võ Thị Cầm, thân sinh của ông, thưa ông: “Huệ sinh ngày 11.7.1957. Tôi sinh mấy đứa con đứa nào cũng dễ, chỉ có sinh nó là khó nhất, chuyển dạ từ chập tối đến sáng bảnh mắt mới đẻ. Khi sinh nó bé tí nhưng nhờ trời, nó không bệnh tật gì mà chóng lớn…
Ngày đó, chuyện thiếu ăn đối với gia đình xảy ra thường xuyên. Không có gạo, tôi phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, tôi đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình. Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt”.
Còn đây toà án Trà Vinh vừa thẳng thừng và lạnh lùng và nhẫn tâm tuyên án 10 năm tù giam cho cô gái vì tội bán con để có tiền nuôi ba đứa con còn lại.
Là chủ tịch QH cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, ông có chạnh lòng về điều này?
Thưa ông, tôi biết ông rất bận việc Nước, nhưng nếu tôi là ông thì khi nghe tin toà án Trà Vinh tuyên án, tôi sẽ lặng lẽ đến Trà Vinh để tìm hiểu và chia sẻ gia cảnh của gia đình giống gia đình ông một thời, chỉ khác là cách nhau hơn 50 năm thôi.
Nếu ông đi cùng với mẹ ông, chắc chắn người mẹ thân yêu của ông sẽ ôm cô gái kia mà khóc.
Xin ông bớt chút thời gian nghe tâm sự của người mẹ trẻ mang tiếng bán con kia, nhưng thực chất là muốn gửi con cho gia đình khá giả khác nuôi và có được ít tiền, số tiền không bằng một bữa nhậu của ai đó, để nuôi ba đứa con còn lại.
“CON SỢ LẮM! NẾU ĐI Ở TÙ 10 NĂM, 4 ĐỨA CON CỦA CON AI NUÔI? CHẮC RA TÙ BA MẸ CON CHẾT HẾT RỒI, KHÔNG GẶP ĐƯỢC AI?”
Lúc bé được hơn một tháng, không biết bé bị làm sao mà cứ mỗi lần bú vô là ọc ra màu vàng nhớt nhớt, ngày nào cũng ộc ra, con sợ lắm, con không có tiền cho bé đi khám, vô bệnh viện tốn tiền lắm, khi con sinh bé con không có tiền nộp viện phí nên bé vẫn chưa có giấy chứng sinh, nên con không biết làm sao dẫn bé đi khám, lỡ bé bị gì, mà con không có khả năng.
Con mới nhớ ra cái trang đó, có một lần có chị đó share về một bài nói cần tìm gia đình hiếm muộn cho con, con mới thắc mắc hiếm muộn là gì, nên con vào coi, con thấy họ đăng tin gia đình hiếm muộn cần tìm gia đình nào khó khăn không nuôi được con họ xin về họ nuôi, rồi có nhiều người mẹ khó khăn vô đó kiếm gia đình hiếm muộn để cho bé.
Con chỉ coi mấy bài rồi con đi ra. Con kiếm lại trang đó, con vô đăng bài trong nhóm: Cần tìm gia đình hiếm muộn nhận nuôi bé năm mươi ngày tuổi. Con có yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Để biết người đó là ai. Con muốn tìm gia đình khá giả, lo được cho bé đầy đủ hơn là ở với con. Bài viết con chưa được duyệt trên nhóm. Có anh tên Dương, fb tên là TT nhắn tin cho con…
Điện thoại đó là của chú của chồng con, điện thoại hư, chú cho con, con sửa lại xài. Con mới vô facebook khi sinh bé thứ ba. Con cài facebook để nhắn tin cho người nhà con cho đỡ tốn tiền.
Anh hỏi cần tiền bồi dưỡng không, con nói nếu được thì cho con hai chục triệu. Anh đó xuống, anh kêu là, em có thể giảm cho anh hai triệu được không, để anh về mua tã, sữa lo cho bé.
Khi con nhận tội con không biết gì về luật. Con nghe đó con tin đó. Giờ nghe chú luật sư nói con hiểu được hơn một xíu về luật. Ba mẹ hỏi sao lại làm vậy, không suy nghĩ sao làm vậy, có chuyện gì sao không nói với ba mẹ mà hai vợ chồng đi làm như vậy, giờ phạm tội ba mẹ không giúp được gì hết.
Khi con và chồng con quyết định cho con, tụi con không nói cho ba mẹ biết. Khi nghe tòa xử án con mười năm, chồng con mười ba năm, mẹ con ngất xỉu. Mẹ con bị bệnh tim, mẹ rất yếu, hay bị ngất. Mẹ con đi lụm trái bàng, hai ba ngày mới được một bao, mẹ phơi, đập ra được một ký nhân, bán được hai trăm mấy, khi được trăm tám. Ngoài ra không có công việc gì hết. Ba con thì bán vé số. Ba đẻ ra bị tật, tay và chân nhỏ xíu. Ba mẹ nợ nần nhiều nữa, miếng đất và ngôi nhà đang ở cũng gán nợ, con không muốn ba mẹ buồn thêm nên con không nói.
Bây giờ nhìn ba đứa bé, mẹ con lại nhớ con bé, mẹ lại chảy nước mắt, mẹ nói, phải chi hồi đó con quyết định cái gì đó con nói với ba mẹ, ba mẹ giúp được gì thì giúp, thì giờ anh em tụi nó không phải xa nhau như vậy, đâu phải cha ở một nơi mẹ ở một nơi con ở một nơi như vậy.
Khi lên tòa con nói hết như vậy với tòa. Khi lên tòa mẹ con xin bé về nuôi, xin nhiều lần, nhưng họ không cho. Hôm qua, khi lên tòa nộp kháng cáo, cô ở tòa nói, phải bắt nó vô tù chứ để nó ở nhà nó bán con nó nữa. Con nghe thì con chỉ buồn thôi. Tại vì con đã làm như vậy rồi, con không biết trả lời làm sao nữa. Con tự giận con, con mình đẻ ra mà không nuôi, không biết tại sao lúc đó con lại làm như vậy nữa.
Khi cho con đi rồi, con gọi để xin lại bé, trả lại tiền nhưng điện thoại không liên lạc được.”
Nguyễn Đình Bổn – Hành xử đúng mực!
Nếu lễ phép, khoanh tay cúi đầu trước ông bà cha mẹ, và cả thầy cô (khi các em còn nhỏ) là một ứng xử văn hóa cần giữ, thì khúm núm là hành vi ti tiện, của những kẻ cơ hội.
Vậy làm thế nào để phân biệt hành vi đó khi chúng giống nhau?
Khá đơn giản: Lễ phép nằm trong khuôn khổ gia đình, dòng họ, trong các giao tiếp mang tính cá nhân. Còn khúm núm nằm trong quan hệ xã hội, cấp dưới nịnh cấp trên, dân hạ tiện gập mình, xun xoe, hai tay nắm tay quan chức, vẻ mặt đầy tuân phục. (Status này không bàn về cách hành xử trong các tôn giáo).
Người có chiều sâu văn hóa, được giáo dục kỹ thì lễ phép và mạnh mẽ, thân thiện với người ít tuổi hơn, địa vị thấp hơn mình. Kẻ khúm núm thì nịnh bợ người hơn mình, mà bắt nạt kẻ yếu thế.
Hành xử đúng mực thực ra cần một nội tâm vững vàng, một văn hóa giao tiếp vừa bình đẳng vừa thân thiện. Nếu quá một chút, bạn sẽ trở thành kẻ xấc xược hoặc kẻ hèn kém.
Cho nên nó nằm ở giáo dục, mà bắt đầu bằng giáo dục gia đình, và cũng bằng chính bản chất văn minh hay ti tiện của bạn.
Nhưng trong môi trường giáo dục mà bắt học sinh gập mình trong giá rét để chào…cái xe hơi thì thật xấc xược quá lố!
NGUYỄN ĐÌNH BỔN 30.01.2024
Hàn Quốc gỡ lệnh cấm tiếp nhận: hàng ngàn người Nghệ An xếp hàng thi xuất khẩu lao động
Dân Trần – 31/01/2024
(VNTB) – Hàng ngàn người phải xếp hàng dưới mưa rét để xin được đi bán sức lao động nơi xứ người.
Theo thông tin từ Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – LĐTBXH), hiện nay Hàn Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm người lao động ở Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Tuy nhiên, những người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được nhập cảnh vào nước này nữa.
Chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) sẽ tổ chức kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024. Thời gian đăng ký dự thi chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/01 – 30/01), chính vì vậy người dân tập trung về rất đông để làm thủ tục. Có những người phải tới trước một ngày để xếp hàng lấy số thứ tự trong cái rét cắt da ở Nghệ An.
Ngoài việc xếp hàng thi cử cực khổ, người dân cũng phải chuẩn bị một khoản tài chính khá lớn để có thể bán được sức lao động. Được biết hiện nay chi phí đi lao động Hàn Quốc là khoảng 200 triệu đồng, bao gồm tiền học tiếng Hàn và tiền máy bay. Mức thu nhập tại Hàn Quốc cho người lao động nhập cư là khoảng 40-50 triệu đồng/tháng.
Xuất khẩu lao động dường như là con đường duy nhất có thể thoát nghèo của thanh niên Việt Nam hiện nay. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu thanh niên tốt nghiệp Trung học Phổ thông và 240.000 sinh viên có bằng đại học. Như vậy lực lượng lao động rất cao, nhưng Nhà nước không thể thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trong nước được thì đành phải tha phương bán sức lao động cho nước ngoài.
“Nếu không ra nước ngoài thì ở Việt Nam chỉ có thể làm công nhân hoặc chạy xe ôm công nghệ với mức thu nhập chỉ bằng một phần mười khi xuất khẩu lao động. Và hệ lụy của việc thanh niên thất nghiệp sẽ là các tệ nạn xã hội diễn ra càng ngày càng nhiều. Còn muốn làm giàu mà không ra nước ngoài thì chỉ có xin vào biên chế Nhà nước để có thể tham nhũng, ăn tiền hối lộ, như vậy thì cũng là một loại tệ nạn, thậm chí còn tệ hơn trộm cướp”. Anh L.M., một người dân ở Bình Dương nói với phóng viên VNTB.
“Theo tôi thì vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, chứ trước giờ cái gì cũng nói “mọi chuyện cứ để Đảng và Nhà nước lo”, thế mà bây giờ dân đói dân khổ thì Nhà nước không lo là không được. Nếu không xử lý được tình trạng này thì không sớm thì muộn người dân cũng phải vùng lên phản kháng”. Anh L.M. bức xúc.
Là một tỉnh thường xuyên xin gạo cứu đói, và người dân phải xếp hàng xin đi xuất khẩu lao động, tha phương cầu thực khắp Việt Nam. Thế nhưng Nghệ An có khá nhiều công trình, tượng đài trăm tỷ, ngàn tỷ. Điển hình như khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyên Nam Đàn với tổng mức đầu tư hơn 1735 tỷ đồng, tượng đài Phan Đăng Lưu kinh phí gần 100 tỷ đồng, đài phun nước 13 tỷ đồng ở quảng trường Hồ Chí Minh, tượng đài Lênin 8tỷ đồng…
Nếu số tiền này được Nhà nước đầu tư đúng cách thì người dân đã không chịu cảnh đói khổ triền miên như hiện nay. Rất rõ ràng là người dân đang giẫy chết ngay tại quê hương của Hồ Chí Minh, thì những lời tuyên truyền, ca ngợi về chính sách của Đảng chỉ là lừa mị người dân. Đảng Cộng sản cần phải nghiêm túc nhìn lại những vấn đề mà họ gây ra và sửa đổi thì mới có thể hi vọng duy trì chế độ được, còn không thì…
“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay.
Non nước mây trời lòng ta mê say”.
Lưu Thủy Hương
30/01/2024
Hồi còn là Hòn Ngọc Viễn Đông, bà Ngoại tôi không thèm xài hàng hóa của Hàn Quốc đâu. Bà chê nó kém chất lượng. Mà bà chỉ thuộc tầng lớp công chức, trung lưu ở Sài Gòn thôi chứ không giàu có gì. Còn hàng hóa của Thái Lan chỉ có dân nghèo mới mua, mà mua rẻ rề rồi còn bĩu môi chê “đồ của tụi Xiêm”.
Sau ngày bị giải phóng, tình cảnh đảo ngược hết. Vải vóc, mỹ phẩm Thái Lan là niềm mơ ước của phụ nữ Việt Nam. Kem trắng da, kem dưỡng da, son phấn, áo thun, quần jean… lén lút tràn qua biên giới, được chị em chắt bóp tiền lùng mua trong nỗi khát thèm.
Ở ngoài xóm chợ có một chị rất đẹp, Tết năm đó chị thoa son đỏ chói. Ai khen chị, chị đều hãnh diện nói: “Son gió Thái Lan nghe”. Nhiều người trố mắt nhìn thán phục, nhưng một nửa là thèm thuồng. Có lẽ, đó là những cây son gió đầu tiên tới được đất Sài Gòn. Tôi nghe đồn là nó lạ lắm, lúc mới thoa lên môi thì màu nhạt thôi, nhưng một lúc sau gặp gió nó đỏ rực lên, đẹp lộng lẫy. Bởi vậy mới gọi là son gió. Một thời gian sau, chị sức kem Thái Lan gì mà da trắng bóc như bánh bèo luôn. Cả chợ lại phát rồ lên vì kem trắng da của Thái Lan. Rồi người ta vượt biên sang được Thái Lan, gửi thư về, gửi hàng về. Cứ như Thái Lan là thiên đường nào ở đâu xa lắm, người ta quên luôn cái tên trước 75 của nó là “Xiêm La”, và nó ở gần mình, từng bị xem là em út của mình.
Đất nước Thái Lan, hàng hóa Thái Lan, trại tị nạn Thái Lan bỗng như một giấc mơ. Nhưng nhiều người ăn còn chưa no, lo gì chuyện son phấn, chuyện ra đi. Khi đó nồi cơm không độn khoai lang sùng, một miếng thịt bạc nhạc cho đàn con suy dinh dưỡng cũng là giấc mơ ám ảnh rồi.
Hơn hẳn Thái Lan, Hàn Quốc có những bước tiến rất dài. Thời gian sau này, đồ điện tử của Hàn Quốc, xe hơi của Hàn Quốc được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới. Ngay tại Đức, cường quốc xe hơi với Mercedes, BMW, Audi, Porsche, VW, Opel, Mini, Smart… thì xe hơi Hàn Quốc với Hyundai, Kia, Daewoo vẫn có chỗ đứng vững vàng. Trên đường phố thủ đô Berlin, xe Kia tự tin lăn bánh bên những cổ máy Đức lừng danh.
Nhưng nếu tôi chê Việt Nam thì chắc chắn sẽ có người cho luôn củ khoai sùng vô miệng tôi: “Việt Nam tiến bộ nhiều lắm rồi, không thấy sao?” Thì có tiến bộ! Sau khi tuột xuống giếng rồi cũng có cố gắng leo được lên bờ. Rồi còn ngồi hát quan họ, ngồi bốc thơm, ngồi nghĩ chuyện xin xỏ, bày kế lương lẹo chứ đã bước lên đường đua quốc tế để hơn thua đâu.
Giấc mơ đuổi kịp Hàn Quốc tôi không dám nghĩ tới nữa, chỉ mong sao đuổi kịp Thái Lan. Mà đuổi cách nào bây giờ? Ai cũng chạy ào ào chứ có ai dừng lại cho mình đuổi theo?
Cuối năm nhìn mấy tấm hình nam thanh nữ tú, tương lai dân tộc, xếp hàng rồng rắn xin sang Hàn Quốc làm thuê, thấy não lòng. Chưa kể phải cởi áo cho đàn ông Hàn Quốc chọn làm vợ, đi ăn cắp, ăn trộm, trốn lui, làm lậu, vi phạm luật lệ… ở xứ người.
Quen hát hò ca tụng mấy mươi năm, tự nhiên bây giờ báo chí đăng mấy tấm hình nghẹn ngào kiểu này, thì làm sao người có chút lương tâm nhìn sang năm mới thấy lạc quan?
LTH
Ai đang mong Tổng Trọng lìa đời?
Ý Nhi/SGN – 30/01/2024
Trần Tuấn Anh và Tổng Trọng (Ảnh: Đất Việt)
Ông Nguyễn Phú Trọng còn quyền lực là ông còn đốt lò, bởi lâu nay, đốt lò đã là thương hiệu của riêng ông. Trước đây, các đồng chí của ông cũng thanh trừng nhau, nhưng kín đáo và không làm đại trà như ông. Họ tạo áp lực, tố cáo nhau trong Đảng, và thậm chí thuốc nhau, đều là những hình thức kín đáo.
Riêng ông Trọng thì dùng chiến lược đánh tham nhũng để loại bỏ hàng loạt những kẻ ông không vừa mắt.
Các nước dân chủ cũng diệt tham nhũng, nhưng họ sử dụng pháp luật, chứ không cần phải có một cá nhân nắm quyền lực tuyệt đối để làm điều đó. Đấy là chống tham nhũng bằng pháp quyền. Cách chống tham nhũng này bao trùm, không tha bất kỳ ai, và soi rọi mọi lúc, mọi nơi, trong bộ máy nhà nước. Cách chống tham nhũng như thế mới giữ được cho nhà nước trong sạch.
Còn chống tham nhũng như cách ông Trọng thực hiện, là do cá nhân ông muốn, chứ không phải do luật pháp thực thi. Đánh tham nhũng kiểu ông Tổng Trọng, là đánh từ trong Đảng đánh ra. Nghĩa là, trong Đảng phát hiện trước rồi xử lý kỷ luật, sau đó luật pháp chỉ là làm theo chỉ đạo Đảng.
Một mình ông Trọng làm sao có thể nhìn thấy hết những ngóc ngách ở các bộ, ban, ngành, và các địa phương. Thế nên, ông chỉ đánh ở những nơi, những người, ông nhìn thấy, và bỏ sót những người ông không nhìn thấy, hoặc giả vờ không thấy. Cho nên, cách chống tham nhũng của ông không thể làm trong sạch Đảng, làm trong sạch nhà nước, mà chỉ quét đi thành phần ông cần lọc bỏ, tức là những kẻ không thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông.
Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là nơi nhận nhiệm vụ lên danh sách những người cần đánh, và xướng tên họ ra trước công chúng. Mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là một lần quan chức hồi hộp, lo sợ, liệu rằng, ông Trần Cẩm Tú có xướng tên mình lên hay không? Một khi đã bị xướng tên, thì xem như, tương lai mịt mù tăm tối, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cho vào “lò”.
Ngày 19 Tháng Giêng, ông Trần Cẩm Tú chủ trì cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Lần này, ông Tú lại réo tên 3 nhân vật lớn một lần nữa, đó là: ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng; và ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trước đó một tháng, trong kỳ họp lần thứ 34, ông Trần Cẩm Tú đã cho réo tên ba người này. Đây được xem là hành động lên danh sách, trình Bộ Chính trị để xem xét mức kỷ luật.
Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, ai cũng biết, những trò đưa “củi” lên “thớt” thế này, là do ông Trọng đạo diễn sau màn. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn lấy danh nghĩa là Bộ Chính trị để quyết định mức kỷ luật. Trong Bộ Chính trị hiện nay, phe ông Trọng chiếm quá nửa, nên xem như, Bộ Chính trị sẽ quyết theo ý của ông.
Nhưng những người bị ông Trần Cẩm Tú reo tên, cũng chưa phải là đã hết tương lai, mà có khi, đó chỉ là đòn cảnh cáo. Hình thức kỷ luật cảnh cáo là nhẹ nhất, vẫn giữ được chức và có thể được “xóa án”. Trường hợp ông Đinh Tiến Dũng là ví dụ.
Hiện nay, các ông Trần Tuấn Anh, Trịnh Đình Dũng và Mai Tiến Dũng, vẫn chưa biết bản thân sẽ bị bổ xuống hình thức kỷ luật nào. Nếu nặng, có thể sau Trần Cẩm Tú, thì Tô Lâm sẽ kéo quân đến nhà. Những người bị réo tên này chẳng khác nào đang ngồi trên đống lửa.
Luật chơi do ông Trọng đặt ra, là thứ đã khiến bao nhiêu quan tham không thuộc phe Tổng phải khiếp sợ. Có lẽ, hiện nay không ai mong Tổng Trọng về “chầu trời” bằng 3 nhân vật đang bị réo tên này. Trong lúc nằm trước miệng lò đang cháy mà lại có quốc tang, thì xem như, ba nhân vật này thoát nạn.
Ông Trọng dựng lò chống tham nhũng đình đám, rồi cũng sẽ tắt mà thôi. Bởi việc đốt lò là việc của ông Trọng, sau ba tấc hơi của ông, thì mọi sự đâu lại vào đấy.
XEM THÊM: Báo Dân Trí, Việt Nam về tham nhũng tại Việt Nam
Hai cán bộ cấp cao thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương
Hoài Thu – Thứ tư, 31/01/2024 – 14:23
Theo Dân trí
“Trung ương CSVN đồng ý để ông Trần Tuấn Anh ngưng chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương khóa XIII; ông Phan Việt Cường cũng ngưng chức vụ Ủy viên Trung ương khóa XIII.”
Ngày 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ông Trần Tuấn Anh là cán bộ cấp cao, được đào tạo cơ bản, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng.
Trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Công Thương đạt kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Trần Tuấn Anh đã có đơn xin thôi chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Cũng theo báo Dân Trí, Ông Phan Việt Cường là cán bộ cấp cao của Đảng CSVN, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo tại địa phương.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Phan Việt Cường đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nướcCSVN và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Trần Tuấn Anh ngưng chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; ông Phan Việt Cường ngưng chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cũng theo Dân Trí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN cũng đã xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Theo Ban Chấp hành Trung ương CSVN, “các ông Trần Đức Quận, Nguyễn Nhân Chiến đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.”
“Vi phạm của 2 cán bộ trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
“Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đức Quận và ông Nguyễn Nhân Chiến.
“Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.”
Theo Dân Trí