Quê Hương tổng hợp
Hơn 1.200 doanh nghiệp tại TP HCM phải cắt giảm lao động năm nay
03/10/2023
Minh họa: Một người đàn ông sử dụng điện thoại di động trước cửa hàng máy tính ở Hà Nội ngày 29/9/2023.
AFP
Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) trong quý ba vừa qua phải cắt giảm lao động trong nhiều lĩnh vực gồm bán buôn, kinh doanh bất động sản, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đường sắt.
Thông tấn xã (TTX) Việt Nam loan tin ngày 3/10 dẫn nguồn Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực & Thị trường Lao động TP HCM như vừa nêu; đồng thời đưa ra dự báo trong năm nay hơn 1200 doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm lao động.
Số liệu được đưa ra dựa trên khảo sát gần 10 ngàn doanh nghiệp và hơn 230 ngàn người lao động về chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong ba tháng gần đây.
Kết quả khảo sát cho thấy có hơn 61% tổng số doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc cho nhân viên nghỉ việc luân phiên; hơn 19% doanh nghiệp phải cho lao động thôi việc; chừng 9% số doanh nghiệp khảo sát tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương…
Cũng theo TTX Việt Nam, các địa phương trên cả nước báo cáo trong quý ba có hơn 54 ngàn lao động nghỉ việc, giản việc. Số này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó ngành da giày và dệt may đứng đầu với tỷ lệ hơn 30% lao động phải nghỉ việc.
HRW kêu gọi Việt Nam cải tổ gấp quyền con người trước kỳ kiểm định phổ quát sắp đến
03/10/2023
bà Elaine Pearson, Giám đốc Châu Á của HRW
Reuters
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào ngày 3/10 kêu gọi Việt Nam cần khẩn cấp cải tổ quyền con người. Kêu gọi được đưa ra trước kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ (universial Periodic Review- UPR) tại Liên hiệp quốc lần thứ tư đối với Hà Nội dự kiến diễn ra vào năm tới.
Thông cáo phát đi từ Geneva của HRW nêu rằng đó là cơ hội thúc giục Việt Nam thay đổi trong lĩnh vực nhân quyền.
HRW, trong trình bày gửi Liên hiệp quốc, cảnh báo đại diện Chính phủ Hà Nội sẽ phải đối mặt với biện pháp rà soát kỹ càng do tình trạng đàn áp sâu rộng đối với giới hoạt động và không cải cách những luật lệ bị cho là lạm quyền.
Giám đốc Châu Á của HRW, bà Elaine Pearson, nói rõ “Những vi phạm về quyền con người của Việt Nam cho thấy mọi lời hứa của Chính phủ Hà Nội với Liên minh Châu Âu (EU) và những chính phủ khác về vấn đề nhân quyền đều vô nghĩa. Tình trạng đàn áp có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với các quyền dân sự và chính trị đáng phải chịu sự trừng phạt nặng hơn nữa của các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại. Giới này đang nhìn theo cách khác trong việc tăng tiến cái được xem là quyền lợi chiến lược; tuy nhiên họ cần nhận ra rằng viêc thúc đẩy quyền con người thuộc lĩnh vực quyền lợi chiến lược của họ.”
HRW liệt kê ra một số vấn đề lớn trong trình bày gửi Liên hiệp quốc yêu cầu cần phải giải quyết ngay. Đó là tình trạng cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục truy tố người dân thực thi các quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa. Thực tế vi phạm quy trình tố tụng và xét xử công bằng là phổ biến đối với nhiều vụ án hình sự và chính trị. Chính phủ Hà Nội tiến hành đàn áp quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Theo HRW, từ năm 2019 đến năm 2023, cơ quan chức năng Việt Nam truy tố ít nhất 139 người theo các điều luật hà khắc; những người này chỉ lên tiếng chống bất công, phê phán chính phủ, hay ủng hộ cho những nhà hoạt động khác.
Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sang năm sẽ tiến hành kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR) lần thứ tư đối với Hà Nội. Thành tích nhân quyền của Việt Nam bị cho trở nên tồi tệ đáng kể từ kỳ UPR lần thứ ba vào tháng 1/2019.
Kỷ luật Bí thư Bến Tre, ông Lê Đức Thọ vì ‘kê khai tài sản không trung thực’
Nguồn hình ảnh, Ben Tre Province – Chụp lại hình ảnh,
Ông Lê Đức Thọ – hình từ trang của Tỉnh uỷ Bến Tre
Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hà Nội (02-08/10) đã công bố thêm tên tuổi một số quan chức cao cấp bị kỷ luật.
Nổi bật hơn cả là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu lãnh đạo VietinBank, ông Lê Đức Thọ.
Ngoài ra, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cũng chính thức bị thi hành kỷ luật, còn Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Điểi K’ré thì bị loại khỏi Trung ương Đảng.
Riêng trường hợp của ông Lê Đức Thọ, sinh năm 1970 ở Phú Thọ, miền Bắc VN nhưng có chức vụ cuối cùng là Bí thư một tỉnh trong miền Nam, được báo chí VN hôm 04/10 nói đến nhiều.
‘Biến động tài sản’
Một số trang còn đăng ảnh và tiểu sử, con đường công danh nhanh chóng qua các chức vụ khác nhau của ông để minh họa cho vụ việc mà Trung ương ĐCS cho là vi phạm “những điều đảng viên không được làm”.
Cụ thể, báo chí nhà nước nhấn mạnh đến chuyện ông Thọ “giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định”.
Thế nhưng bài trên trang chinhphu.vn không nói rõ chi tiết việc vi phạm này liên quan đến các khoản tài sản nào, ở đâu.
Còn về ông Trịnh Văn Chiến và các quan chức Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra TW cho biết:
“Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.”
Hồi 2016, mạng xã hội rộn tin đồn ông Trịnh Văn Chiến có nhân tình là nhân viên Sở xây dựng Thanh Hóa. Cũng theo mạng xã hội thì người phụ nữ này hiện có số tài sản khổng lồ.
Một loạt tên tuổi quan chức Thanh Hóa khác được nêu ra dịp này và họ đều bị kỷ luật.
Tháng 9 vừa qua, báo Nhân Dân cũng cho hay một kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị thi hành kỷ luật một loạt ban và các bộ đảng này ở Quảng Ninh vì các “vi phạm, khuyết điểm” trong 10 năm liền, từ 2011 đến 2021.
Các vụ việc liên quan đến dự án, gói thầu với công ty AIC, và tập đoàn FLC được nêu ra trong văn bản công bố hôm 21/09/2023.
Uỷ ban Kiểm tra TW, sau kỳ họp hai ngày 19-20/09 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, đã cho hay:
“Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021…”
Trong hệ thống của Đảng CSVN, việc nêu tên công khai quan chức bị kỷ luật trên báo chí có nghĩa là sự nghiệp chính trị của họ chấm dứt, và trong một số trường hợp, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện tượng “nhiều quan chức vẫn giữ thói tham lam, vơ vét của cải nhà nước, nhân dân để tư túi, sở hữu những khối tài sản kếch xù” được các báo chính thống nêu ra như vấn đề mang tính đạo đức.
Nhưng việc nhiều quan chức và thậm chí cả một cơ sở Đảng đầy quyền lực nắm ở mấy tỉnh liền của Việt Nam vi phạm kéo dài cả một thập niên và lâu hơn, cho thấy vấn đề mang tính hệ thống sâu rộng chứ không chỉ là chuyện tư cách, đạo đức cá nhân hay “suy thoái tử tưởng”.
Điều ĐCS VN đang cố gắng làm là đối phó với chỉ trích của dư luận, như các trang báo thừa nhận, về các việc quan chức “vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương”.
Cùng lúc, các hiện tượng chiếm đoạt tài sản công, biến công thành tư nhờ quyền lực nhà nước vẫn diễn ra và được truyền thông VN ghi nhận rộng rãi.
Nguồn hình ảnh, Vietnamese media
Chụp lại hình ảnh, Ông Trịnh Văn Chiến
Biệt phủ, các vùng lãnh thổ ở vị trí ‘vàng’
Báo Công an Nhân dân (26/09/2023) trong bài “Kê khai biệt phủ” đã nói về hiện tượng quan chức Việt Nam giấu đi những khoản tài sản bất minh khổng lồ và cho biết đây là hiện tượng khá phổ biến:
“Câu chuyện quan chức sở hữu hàng loạt biệt phủ, dinh thự, trang trại, đất đai nhưng giấu giếm, không kê khai trung thực là vấn đề gây nhức nhối dư luận.
Ngày nay, dường như tài sản để xác định sự giàu có của quan chức không còn được tính bằng động sản mà phải là bất động sản. Đơn giản bởi giá trị của những chiếc xe sang thì cũng khoảng dăm bảy tỷ hay một – hai chục tỷ, giá trị cả trăm cây vàng cũng chẳng thấm tháp gì so những lô đất, những khu biệt thự ở vị trí đắc địa có giá hàng trăm tỷ đồng…”
“Đáng chú ý, trào lưu gom đất, xây dựng dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái của quan chức hiện không chỉ giới hạn trong một vùng, một lãnh thổ mà còn bao rộng ra nhiều vị trí “vàng” trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài.”
Nguồn hình ảnh, TI
Chụp lại hình ảnh,
Việt Nam tăng 17 bậc về cảm nhận tham nhũng
Vụ vận động viên trẻ bóng bàn kêu đói: Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nói gì?
Bữa ăn trị giá 800.000 đồng nhưng không đủ dinh dưỡng của vận động viên đội tuyển trẻ bóng bàn. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tienphong.vn)
Liên quan thông tin vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ không được đảm bảo đủ chế độ dinh dưỡng, lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã lên tiếng.
Thông tin bữa ăn theo chế độ 320.000 đồng/người nhưng vận động viên ăn không đủ no được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao từ ngày 2/10. Cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay đã biết được thông tin này và xác minh, làm việc với các cán bộ phụ trách, ban huấn luyện và vận động viên.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, ban huấn luyện đội tuyển báo cáo không có sự việc như thông tin trên truyền thông và mạng xã hội.
“Sáng nay (ngày 3/10), lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao triệu tập Ban huấn luyện đội tuyển họp. Ban huấn luyện, vận động viên báo cáo tình hình ăn uống vẫn đầy đủ, không như thông tin phản ánh trên truyền thông. Lãnh đạo Cục TDTT chỉ đạo tiếp tục làm việc với các bên liên quan để báo cáo lại. HLV trưởng khẳng định không có sự việc như vậy”, ông Phan Anh Tuấn – Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nói với báo VTC News.
Vận động viên nói gì trong phóng sự của Báo Tiền Phong?
Theo video phóng sự của Báo Tiền Phong, vận động viên cho biết bữa sáng có tiêu chuẩn 100.000 đồng tiền ăn/người nhưng chỉ được ăn 1 gói xôi và 1 chai nước ngọt; bữa ăn tối của 8 vận động viên với chi phí 800.000 đồng nhưng chỉ có đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua; bữa trưa có tiêu chuẩn 120.000 đồng/người cũng tương tự như thế.
Các vận động viên cho biết vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập.
Bên cạnh đó, một số tuyển thủ phản ánh tiền công của họ bị “teo tóp” bởi những khoản khấu trừ tiền ăn.
Các vận động viên không được cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tienphong.vn)
Nói với báo Thanh Niên, một huấn luyện viên cho rằng sự cố xảy ra ở đội dự tuyển bóng bàn trẻ đặt ra những vấn đề cấp thiết của thể thao Việt Nam. Lãnh đạo ngành thể thao cần phải trả lời được câu hỏi, tại sao không để đội tuyển trẻ này tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
“Khi đưa đội sang địa điểm khác tập huấn, Cục Thể dục Thể thao và những người có trách nhiệm của môn bóng bàn, có quán xuyến được việc tập luyện, sinh hoạt của đội hay không, hay buông lỏng hoàn toàn. Chất lượng bữa ăn, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có được kiểm soát hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay không?
Lãnh đạo ngành cần có câu trả lời thỏa đáng. Gia đình các vận động viên trẻ không thể yên tâm khi con em họ phải tập luyện trong điều kiện thiếu chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, vận động viên không thể có thành tích nếu không được chăm sóc tốt về mọi mặt, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là dinh dưỡng”, vị huấn luyện viên nói.
Các vận động viên quốc gia đã phản ánh sự việc trong nhiều năm qua
Theo thông tư 86 Bộ Tài chính quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên, huấn luyện viên thể thao có hiệu lực từ ngày 1/1/2021: vận động viên đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.
Vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.
Với vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho vận động viên được lấy từ ngân sách Nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm. Tiền ăn, tiền nước uống hằng ngày của vận động viên được gói gọn trong số kinh phí này theo thông tư 86.
Mức chi này với người bình thường có thể là ổn, nhưng với vận động viên thể thao thì chưa đáp ứng được nhu cầu vận động cao, đòi hỏi dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ chất lượng. Nhiều năm qua, các vận động viên quốc gia tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thường xuyên kêu ca về việc họ chưa được ăn đủ dinh dưỡng, đủ chất.
Các vận động viên cũng không được cung cấp thường xuyên thực phẩm chức năng trong quá trình tập huấn và thi đấu. Cùng với việc thiếu trang thiết bị hồi phục, nên sau khi tập nặng, vận động viên dễ chấn thương, thành tích khó phát triển.
Khánh Vy (t/h)
6.000 công nhân công ty Viet Glory ở Nghệ An ngừng việc
Hàng ngàn công nhân ở công ty Viet Glory ngừng việc để yêu cầu tăng lương, điều chỉnh mức khoán sản lượng, thưởng tháng 13… (Ảnh: vietnamfinance.vn)
Hàng ngàn công nhân ở công ty Viet Glory ngừng việc để yêu cầu tăng lương, điều chỉnh mức khoán sản lượng, thưởng tháng 13…
Theo báo Nghệ An, sáng 2/10, hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH VietGlory vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên, bắt đầu vào ca chiều, những người này đồng loạt xuống nhà xe và ra về thay vì quay lại nhà xưởng làm việc.
Ông Hà Huy Đồng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu, cho biết: “Theo ghi nhận của chúng tôi, công nhân nghỉ việc vì hai lý do chính là muốn được tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm”.
Còn trong bản kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân đưa ra 8 đề xuất gồm: Tăng lương cơ bản; điều chỉnh mức khoán sản lượng; yêu cầu cán bộ thực hiện đúng chuẩn mực giao tiếp; không đi họp quá nhiều; thưởng tháng 13 theo thời gian làm việc thực tế, không khấu trừ nghỉ phép; công nhân mang thai tháng thứ 7 được về sớm một tiếng…
Một công nhân ở công ty cho biết trên báo Vnexpress rằng lương cơ bản công ty trả 4.130.000 là khá thấp, nhưng lại áp sản lượng tăng theo ngày nên công nhân rất áp lực. Ngoài ra, công ty bắt công nhân họp nhiều, nhưng không tính vào thời gian chính mà bắt bù thêm. Nếu ai ý kiến thì cán bộ quản lý lại nói nặng lời.
Với đề xuất từ công nhân, cuối ngày 2/10, phía công ty Viet Glory đã trả lời những kiến nghị của công nhân.
Công ty cho biết đã giải quyết 2/8 đề xuất. Cụ thể, công ty sẽ tuân thủ quy định pháp luật để có phụ cấp cho những công nhân làm trong môi trường độc hại nặng nhọc. Người lao động sẽ được hưởng lương tháng 13 theo quy định phúc lợi của doanh nghiệp.
Với những đề xuất còn lại, Viet Glory cho rằng đã giải quyết và sửa đổi.
Theo công ty, mức lương tối thiểu vùng III Diễn Châu là 3.640.000 đồng, mức lương cơ bản hiện tại của công ty là 4.130.000 đồng, cao hơn so với mức lương cơ bản vùng, là phù hợp với quy định.
Phía công ty cũng cho biết sẽ điều chỉnh thái độ làm việc của tất cả cán bộ nước ngoài và người Việt, nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của công ty. Thời gian tới công ty sẽ tăng cường đào tạo cán bộ.
Về việc công nhân mang thai tháng thứ 7 trở lên được về sớm 1 giờ so với quy định, công ty khẳng định đã và đang thực hiện đúng quy định này.
Ngoài ra, công ty cũng cho biết sẽ chỉ đạo bộ phận kỹ thuật kiểm tra lại thiết bị máy chấm công; điều chỉnh thời gian họp cho phù hợp tình hình sản xuất, nếu có lịch họp ngoài giờ sẽ tính tăng ca theo quy định. Công ty cũng đã quyết tăng thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà máy vào ngày 1/10.
Thời gian tới, công ty sẽ xem xét hai nội dung còn lại gồm thưởng tháng 13 sẽ được tính theo quy định phúc lợi của công ty và tăng số lượng công nhân hưởng độc hại nặng nhọc, tăng mức phụ cấp độc hại nặng nhọc.
Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung, công nhân tiếp tục ngừng việc trong ngày 3/10.
Công ty TNHH Viet Glory chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, hoạt động từ năm 2019, 100% vốn nước ngoài, hiện có hơn 6.000 lao động. Năm 2021-2022, hàng nghìn công nhân hai lần ngừng việc tập thể vào đầu năm và quay lại làm việc sau khi được giải quyết một số kiến nghị.
Hoàng Minh
Vĩnh Long: Bắt Phó Chánh án TAND thị xã nhận hối lộ tại trụ sở
Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó chánh án TAND thị xã Bình Minh. (Ảnh: vinhlong.toaan.gov.vn)
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, hiện chưa công bố số tiền bà Nguyễn Thị Tuyết Sương nhận hối lộ.
Theo báo chí nhà nước, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao bắt quả tang bà Nguyễn Thị Tuyết Sương (SN 1971, ngụ tỉnh Vĩnh Long), Phó chánh án TAND thị xã Bình Minh khi đang nhận hối lộ tại trụ sở, sáng ngày 3/10.
Sau khi bắt bà Sương, cơ quan điều tra đã di lý bà về khám xét nơi ở. Việc khám xét diễn ra đến gần đầu giờ chiều cùng ngày.
Được biết, bà Sương bị bắt khi đang được phân công thụ lý giải quyết một vụ án tại thị xã.
Hiện chưa rõ số tiền bà Sương nhận hối lộ là bao nhiêu.
Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, trong quá trình thực hiện thụ lý giải quyết vụ án dân sự, bà Sương đã có hành vi kéo dài thời hạn giải quyết, gây khó khăn cho đương sự, đòi nguyên đơn phải đưa số tiền 50 triệu đồng để bồi dưỡng cho hội đồng xét xử thì mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Khi bà Sương nhận 40 triệu đồng của đương sự tại phòng làm việc thì bị phát hiện.
Trên trang thông tin điện tử của TAND tỉnh Vĩnh Long, bà Sương có quê quán ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; là thẩm phán sơ cấp, có trình độ chuyên môn là thạc sĩ Luật.
Minh Long
Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: 4 người nộp đơn kháng cáo
Bà Nguyễn Phương Hằng hiện chưa có đơn kháng cáo. (Ảnh: vtc.vn)
4 bị cáo cho rằng phán quyết cấp sơ thẩm là quá nặng nên kháng cáo xin TAND Cấp cao xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 3/10, TAND TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Đại Nam).
4 người gồm: Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (cựu trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (cựu nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (cựu Trưởng Phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam).
4 bị cáo cho rằng phán quyết cấp sơ thẩm là quá nặng nên kháng cáo xin TAND Cấp cao xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Về phía bị cáo Nguyễn Phương Hằng, hiện tòa chưa có thông tin về việc bị cáo có kháng cáo hay không.
Trước đó, tối ngày 21/9, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; bị cáo Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; 3 bị cáo bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, bị cáo Lê Thị Thu Hà, bị cáo Huỳnh Công Tân cùng 1 năm 6 tháng tù đều về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo HĐXX, trong khoảng thời gian liên tục từ tháng 3/2021, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội đã phát sóng trực tiếp (livestream) để đưa lên những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin bịa đặt xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của 10 cá nhân, gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo) và bà Trương Thị Việt Hà.
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tấn đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Nguyễn Phương Hằng livestream và đăng tải các bài viết lên các trang mạng xã hội, theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hằng.
Bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với Nguyễn Phương Hằng trong 11 buổi livestream của bà Hằng cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.
Bị cáo Quân tham gia bình luận trong 11 buổi livestream, đã cổ vũ, tiếp thêm ý chí cho bị cáo Hằng nên là đồng phạm giúp sức.
Về phần dân sự, HĐXX tuyên các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng.
Minh Long