Quê Hương tổng hợp
Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá da trơn Việt Nam
RFA 19/3/2024
Cá da trơn được bày bán ở một ngôi chợ ở Hà Nội vào năm 2003
AFP
Các Thượng nghị sĩ tuyên bố chiến thắng thuộc về những nhà sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ, khi chính quyền của Tổng thống Biden đảo ngược quyết định có lợi cho chính quyền Cộng sản Việt Nam.
Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) hôm 14/03 cho hay, chính phủ đang bãi bỏ quyết định sơ bộ nhằm giảm thuế chống bán phá giá cá da trơn đối với tất cả các nhà sản xuất Việt Nam, trong đó có cả các công ty Nhà nước.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế mới giảm xuống chỉ còn 0,14 USD/kg từ mức 2,39 USD/kg, được đưa ra sau đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19), chỉ vài ngày sau khi Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tám Thượng nghị sĩ khi đó đã phản đối quyết định sơ bộ, cho rằng hành động này sẽ gây thiệt hại kinh tế đối với người nuôi và chế biến cá da trơn Hoa Kỳ nếu chính quyền thông qua quyết định sau cùng.
Thượng nghị sĩ Hyde-Smith của tiểu bang Mississippi hôm 18/3 ra thông cáo khẳng định:
“Việc hủy bỏ rà soát sẽ khôi phục một cách hiệu quả mức thuế chống bán phá giá 2,39 USD/kg đối với các lô hàng cá da trơn từ các công ty do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam.
Với quyết định này, các chuyến hàng từ những công ty có hành vi lao động vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và sản xuất cá da trơn bằng cách sử dụng hóa chất và thuốc nguy hiểm gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, sẽ tiếp tục bị ngăn chặn.”
Theo báo Công Thương, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam với tỷ trọng 22%, sau Trung Quốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới ngày 15/8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Hoa Kỳ.
Sân khấu chính trị Ba Đình lại xáo trộn
18/03/2024 – Xuân Hưng – thoibao.de
Hoàng gia Hà Lan hoãn thăm Việt Nam liên quan gì đến cuộc đốt lò ở thượng tầng?
Ngày 16/3, blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Hoàng gia Hà Lan hoãn thăm Việt Nam liên quan gì đến cuộc đốt lò ở thượng tầng?”
Tác giả trích dẫn Facebook Lê Nguyễn Hương Trà, ngày 15/3, viết:
“Câu lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ, khi tham gia đều đặn tại các giải hạng nhất, nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao nộp đơn xin giải nghệ.”
Nick Name “Thang Dang” bình luận ngay tắp lự: “Về sớm vui thú điền viên cũng được thôi, Đoàn Đảng đi lên có nắm được gì đâu, lên tiếp nữa càng nguy hiểm cho đất nước, dân tuý thay vì kỹ trị”.
Tác giả cho biết, Hương Trà, tức “cô gái Đồ Long”, cách đây hơn 1 năm cũng là Facebooker từng báo tin, đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bí danh là Bảy Phúc) bấy giờ sắp mất chức. Facebook cá nhân này hồi đó viết:
“Căng thẳng và kịch tính đến tận những phút cuối cùng, ngôi sao Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam, cầu thủ số 7 (tức Bảy Phúc) đã bị rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu. Anh chuẩn bị rời sân, chấm dứt sự nghiệp cầu thủ nhà nghề.”
Theo tác giả, tin giật gân lần này vẫn do cô gái ấy đưa ra, nhưng lại nói về “Câu lạc bộ Quảng Ngãi”, địa danh nơi ông Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy một thời!
Tác giả nhận xét, tin này còn có thể dự đoán phần nào, qua tiết lộ của Hoàng gia Vương quốc Hà Lan:
“Chuyến thăm cấp Nhà nước của cặp đôi Hoàng gia Hà Lan tới Việt Nam bất ngờ bị hoãn vài ngày trước khi bắt đầu… theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam.”
Tác giả bình luận, nếu ông Thưởng phải bỏ ngang sự nghiệp, thì đây là một câu chuyện vô tiền khoáng hậu, có thể xáo trộn “sân khấu chính trị Ba Đình”.
Hiển nhiên, hơn 800 tờ báo do Nhà nước “nuôi” và hàng trăm trạng mạng do Nhà nước “ghép”, đều chưa được lệnh của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bật đèn xanh cho đưa tin này.
Tác giả cho rằng, chuyện về Chủ tịch Thưởng lan truyền, sau cái hôm trên bầu trời Hà Nội cùng lúc xuất hiện 2 mặt trời, là chuyện xưa nay chưa hề có. Các “Già làng” ở Thủ đô phán, hiện tượng thiên nhiên ấy báo hiệu, đất nước không thể có hai Vua. Cho nên, 1 trong 2 mặt trời sẽ “rụng sớm”. Cùng lúc, phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, do Tổng Trọng chủ trì, “có thể phát hiện ra một vài dấu hiệu “lạ’”. Đó là, Tổng Bí thư đã truyền đạt chỉ thị mới. Từ nay, cấp ủy nào đề cử ai vào Trung ương, thì cấp ủy ấy sẽ chịu trách nhiệm, chứ không phải là Đại hội Đảng, theo như Điều lệ quy định trước nay.
Tác giả cảm thán “đêm dài còn lắm mộng”…
Liệu chỉ thị và lời răn đe trên có liên quan gì đến tin đồn về Võ Văn Thưởng, “đệ tử ruột” của ông Trọng, có thể mất chức?
Tin rò rỉ, tại cuộc họp nói trên, tất cả đã “thảo luận sâu sắc” và “nhất trí khuyên giải”, trên thực tế là đã “ép” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ đang giữ.
Tác giả đánh giá, nếu tin đồn là đúng, ông Võ Văn Thưởng, sẽ được Trung ương và Bộ Chính trị dành cho một đặc ân, là nói lời tiễn biệt trước khi rời chính trường. Chờ đến lúc ấy, hy vọng sẽ có nhiều thông tin hơn.
Tin về Võ Văn Thưởng lan truyền, giữa lúc “vở kịch” Vạn Thịnh Phát chưa đến hồi cao trào, mặc dầu vậy, rất nhiều “các đồng chí trong đống rơm” vẫn run sợ.
Tác giả mỉa mai, từ Trương Mỹ Lan, Phan Quốc Việt… đến Nguyễn Xuân Phúc, rồi nay là Võ Văn Thưởng… cho thấy, tham nhũng đã “cào bằng” các giai tầng trong xã hội. Từ cô gái trình độ “trung học”, hay doanh nhân “thường thường bậc trung”, lên đến các loại “nguyên thủ quốc gia”… Tham nhũng thực tế đã chui sâu, leo cao vào mọi ngóc ngách của hệ thống cầm quyền.
Cuộc đấu tranh giữa các phe nhóm lợi ích đã biến thái thành các cuộc “thanh toán” nhau có màu sắc mafia. Người dân lẫn các đảng viên bình thường hiện nay đều nhận chân được “tham nhũng có tính Đảng”.
US Eximbank ký bản ghi nhớ hợp tác tín dụng 500 triệu USD với VDB của Việt Nam
19/03/2024 – VOA Tiếng Việt
US Eximbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký kết bản ghi nhớ về khoản tiền 500 triệu USD để tạo điều kiện tài trợ cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam, Hà Nội, ngày 18/3/2024. Photo EXIM.
Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ (US Eximbank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa ký kết bản ghi nhớ về khoản tiền 500 triệu USD để tạo điều kiện tài trợ cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam.
Hôm 18/3, Chủ tịch Eximbank Reta Jo Lewis và Chủ tịch VDB Lê Văn Hoan đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về con số 500 triệu USD nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa hai ngân hàng và sẽ hỗ trợ tài chính xuất khẩu của Hoa Kỳ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án liên quan đến khí hậu, Exim Bank cho biết trong một thông cáo cùng ngày.
Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức tại trụ sở chính của VDB Hà Nội, Chủ tịch Lewis nói: “Bản ghi nhớ mà chúng tôi đã ký thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong việc tăng cường mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Việt Nam và cống hiến nhằm tạo ra các cơ hội củng cố nền kinh tế của cả hai quốc gia”.
“Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác tìm kiếm cơ hội tài chính để thúc đẩy các dự án cùng có lợi và hỗ trợ các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ muốn kinh doanh tại Việt Nam”, vẫn lời bà Lewis.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng với bản ghi nhớ này, VDB và US Eximbank cùng nghiên cứu tìm hiểu cơ hội hợp tác đối với khoản tín dụng, bảo lãnh trung và dài hạn mà phía Việt Nam nhận từ US Eximbank nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
“VDB thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của mình thông qua các hoạt động chủ đạo: Cho vay trung và dài hạn đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi số… thông qua huy động vốn trong và ngoài nước”, Chủ tịch VDB Lê Văn Hoan nói.
Được thành lập từ năm 1934, US Eximbank là cơ quan tín dụng xuất khẩu chính thức của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ bằng các dịch vụ tài chính bao gồm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh vốn lưu động, bảo lãnh khoản vay và các khoản vay trực tiếp.
Là một cơ quan liên bang độc lập của Hoa Kỳ, US Eximbank, còn được viết tắt là EXIM, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ bằng cách hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm trong các doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi cung ứng của họ trên khắp Hoa Kỳ.
Nhà cầm quyền CSVN lại kiếm cớ sách nhiễu chùa Phước Bửu
Viết Dũng/SGN – 18/3/2024
Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước ở chùa Phước Bửu sáng 18 Tháng Ba. (Hình: PB)
Vào sáng ngày 18 Tháng Ba, khi chùa Phước Bửu đang cho sơn sửa lại, thì khoảng chục người của chính quyền địa phương ập vào sách nhiễu, gây khó khăn.
Biên bản được dàn dựng là bắt gặp quả tang chùa đang xây, sửa, bất chấp sư thầy ở đó phản đối.
Căng thẳng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, cho đến khi đại diện chính quyền địa phương buộc thầy trụ trì phải viết bản tường trình.
Chùa Phước Bửu, vốn là một ngôi chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tọa lạc tại một con ngõ nhỏ thuộc địa phận xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Lâu nay chùa chưa được chỉnh trang nên lớp vôi phủ ngoài đã bị bong tróc. Một số chỗ trên tường bị nứt cần trám lại. Nhiều viên ngói đã vỡ cần phải thay mới, vì sắp vào mùa mưa, tránh ảnh hưởng đến tăng chúng đến sinh hoạt, cầu nguyện.
Đoàn người tự xưng là đại diện của chính quyền xã, gồm hai người đứng đầu là Phó Chủ Tịch Xã Đinh Văn Tám, và Phó Công An Xã Phạm Văn Dũng buộc yêu cầu ngừng sơn sửa, mà không viện dẫn được bất kỳ điều luật nào.
Ngoài bảy người có chức vụ, còn khoảng bốn, năm người mặc thường phục đi lại tự tiện, chụp hình, quay phim và thẩm vấn cả chín công nhân đang làm việc.
Điều khó hiểu là đoàn người của chính quyền tự xưng là đoàn công tác tôn giáo xã Phước Thuận, lại có thêm đại diện ban chỉ huy Quân Sự xã tham gia, không hiểu nhằm mục đích gì.
Vào đầu năm nay, thầy trụ trì là Hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho tiến hành tu sửa lại ngôi chùa. Ngay ngày đầu tiên cho sơn sửa lại (ngày 12 Tháng Ba vừa rồi), nhà cầm quyền cộng sản đã ập đến với một lực lượng đông đảo và bắt nhà chùa dừng mọi công việc, với lý do “chưa xin phép xây dựng.”
Lúc đó sư thầy trụ trì không có mặt tại nhà chùa, nên mọi việc phải tạm dừng. Hầu hết nhân công sơn sửa là thuê người địa phương, cùng các phật tử đảm nhiệm, nên khi bị công an hăm dọa, những người này sợ hãi nên buộc dừng lại.
Sáng ngày 18 Tháng Ba, trong khi Hòa thượng Thích Vĩnh Phước đang đích thân cho tiến hành lại công việc sơn sửa, thì nhà cầm quyền một lần nữa lại kéo đến gây khó dễ. Mặc dù đuối lý trước những câu hỏi của sư thầy, nhưng đại diện chính quyền vẫn bắt phải dừng việc sơn, sửa nhà chùa lại, bên cạnh đó bắt chùa phải làm đơn xin phép. Một số người thợ đang làm việc ở chùa, cũng bị yêu cầu đến trụ sở để làm việc.
Biên bản viết trên giấy tập của chính quyền
Mục đích của đoàn công tác tôn giáo có thể thấy rõ là để sách nhiễu. Vì hoạt động của họ không có mục đích nào khác ngoài ngăn cản và làm khó nhà chùa.
Khi bị Hòa thượng Thích Vĩnh Phước chất vấn: “Nhà chùa dột, chùa cũ, tôi sơn lại. Quy định nào? Ai chỉ đạo mà đến đây bắt tôi phải làm đơn xin?”, thì lúc đó, tay Phó Chủ tịch mới nói nhỏ cho người thư ký đoàn, lúng túng mở điện thoại, tìm kiếm “quy định” và đọc cho Hòa thượng nghe.
Theo dõi sự kiện qua livestream của chùa Phước Bửu, facebooker Nguyễn Văn Sơn Trung bình luận: “Ngộ quá! Đến chùa mới tra google về Nghị định 92/2012/NĐ-CP!”
Đáng chú ý, các văn bản quy phạm pháp luật do facebooker này chỉ ra, cho thấy Luật Tôn giáo 2016, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, quy định chỉ phải xin giấy phép xây dựng trong trường hợp xây mới các công trình tôn giáo.
Điều 16 Nghị định 162/2017/NĐ-CP cũng nói rõ là khi cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo không phải là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì được miễn giấy phép xây dựng.
Ngay trong văn bản viết tay của cái gọi là đoàn công tác tôn giáo, khi yêu cầu dừng công trình cũng không cho thấy điều luật nào được viện dẫn. Chính vì không có lý lẽ nào để làm khó, nên một người “mặc thường phục” trong đoàn người đã đổi giọng, đe dọa hành hung Hòa thượng Thích Vĩnh Phước.
Chùa Phước Bửu lâu nay là cái gai trong mắt chính quyền, bởi thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Hàng năm chùa luôn bị theo dõi, sách nhiễu, tín đồ bị đe nẹt là không được đến sinh hoạt ở chùa.
Công an còn lập cả một trụ sở dân phòng trước mặt chùa để theo dõi ngày đêm. Trước đây, khi chùa cho dựng bờ tường rào đã cũ, mọi việc bị làm khó dễ gần cả nửa năm mới yên chuyện.
Để tránh rắc rối và giảm khó khăn cho những nhân công, phật tử đang làm việc, Hòa thượng Thích Vĩnh Phước làm tờ trình theo yêu cầu của họ. Nhưng rồi cũng không biết việc tu sửa có được tiếp tục hay không.
Tường trình của chùa Phước Bửu.
Từ sau năm 1975, nhiều tu sĩ và chùa, thiền viện… của GHPGVNTN đã phải chịu nhiều áp bức, trong âm mưu hủy diệt của CSVN để xóa sổ các nhóm tôn giáo độc lập, vốn không chịu hoạt động theo chỉ đạo chính trị.
Chùa Phước Bửu, cũng giống như nhiều cơ sở thờ tự thuộc GHPGVNTN, luôn bị gây khó khăn trong quá trình hành đạo hay tu sửa.
Bên ngoài con đường dẫn vào chùa, bảng tên chùa cũng bị nhà cầm quyền cho đặt biển báo khác che khuất. Nếu không phải người địa phương hoặc khách viếng thăm thường xuyên, khi đi qua, sẽ khó tìm được đường để vào đến chùa.
Một hãng hàng không Việt Nam trả toàn bộ máy bay để xóa nợ
Minh Long
Pacific Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3 sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác nhằm cơ cấu nợ. (Ảnh: Pacific Airlines/Facebook)
Pacific Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3 sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác nhằm cơ cấu nợ.
Báo Thanh Niên đưa tin chiều ngày 18/3, một số hành khách liên hệ tới các đơn vị bán vé máy bay để tìm mua vé dịp cao điểm hè nhưng chỉ được báo giá chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Hầu hết mạng bay mùa hè tới không có chuyến bay nào do hãng Pacific Airlines khai thác.
Theo khảo sát, trên tất cả các trang bán vé máy bay trực tuyến cũng như trên trang web chính thức của Vietnam Airlines, tất cả các chuyến bay từ hôm nay (18/3) cũng đã không còn hiển thị cái tên Pacific Airlines.
Cùng ngày (18/3), báo Lao Động dẫn thông tin từ ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã nhận được báo cáo của hãng hàng không Pacific Airlines về việc “trả hết máy bay để xóa nợ”.
Theo đó, Pacific Airlines báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam rằng từ 18/3 hãng này không còn tàu bay khai thác.
“Họ trả hết tàu bay để tái cơ cấu nợ, khách hàng của Pacific Airlines thì Vietnam Airlines sẽ đảm bảo”, ông Thắng nói.
Vietnam Airlines đang thu xếp để Pacific Airlines thuê khô 03 tàu bay.
Hiện Vietnam Airlines vẫn chưa có thông báo chính thức về kế hoạch duy trì hoạt động của Pacific Airlines trong thời gian tới, đồng thời việc đàm phán trả máy bay đạt kết quả thế nào. Song, ước tính, việc các hãng cho thuê tàu nhận lại toàn bộ đội bay có thể giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ “khủng” lên tới vài trăm triệu USD.
Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991. Số vốn thành lập ban đầu là 40 tỷ đồng và có 7 cổ đông, bao gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, 4 doanh nghiệp thành viên và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Sài Gòn giao thông vận tải.
Sau 2 năm hoạt động, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã tái cơ cấu cấu trúc bộ phận khai thác Pacific Airlines thành hãng hàng không dân dụng Việt Nam.
Vào năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, sau đó là của Tổng công ty Hàng không Việt Nam năm 1996. Suốt 10 năm, hãng hoạt động theo cơ cấu này.
Tuy nhiên hiệu quả không được như mong muốn vì thế lại tiếp tục đổi chủ năm 2005. Trong quá trình thay đổi, hãng đã cắt bỏ những đường bay kém hiệu quả.
Khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC thành lập, tháng 8/2006, hãng lại đổi chủ. Toàn bộ số cổ phần của Pacific Airlines lúc này được chuyển từ Bộ Tài chính sang SCIC và SCIC chính thức điều hành hoạt động của hãng.
Trong năm 2006 – 2007, Qantas – Australia và AirAsia Malaysia chạy đua để trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines, kết quả sau đó là Qantas giành chiến thắng.
Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.
Đến quý 1/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.
Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 212 tỷ đồng so với năm 2021.
Theo báo Thanh Niên, giai đoạn 2009 – 2021, Pacific Airlines chỉ có lãi 3 năm trong khi 9 năm còn lại thua lỗ.
Với 3 năm liền lỗ trên 2.000 tỷ đồng/năm từ sau giai đoạn COVID-19, ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng.
Kiên Giang: đóng bảy cửa cống Cái Lớn để ngăn mặn
RFA
19/3/2024
Ảnh minh họa chụp tại Cần Thơ năm 2023.
AFP
Đơn vị quản lý cống Cái Lớn – Cái Bé thuộc Công ty TNHH Một thành viên khai thác Thủy Lợi miền Nam đã đóng 7/11 cửa cống tại cống Cái Lớn ở Kiên Giang để ngăn mặn.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 16/3, xác nhận đơn vị quản lý quyết định chỉ đóng 7/11 cửa cống thay vì 9/11 như kế hoạch ban đầu.
Ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam, cho biết trên tờ Lao động rằng, nếu độ mặn tại trạm cầu Cái Tư vẫn tiếp tục tăng cao >1‰, công ty phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vận hành các cụm cống QP5, QP6, QP7 và QP8 để hỗ trợ tiêu rút mặn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng hai tháng 3 và 4 và khả năng kết thúc muộn, mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường. Dự báo, đợt hai đang diễn ra và sẽ kết thúc và ngày 17/3/2024.
Trước đó, Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam lên kế hoạch, trong khoảng thời gian xuất hiện các đợt triều cường, tình hình xâm nhập mặn khu vực thượng lưu cống Cái Lớn vượt ngưỡng 1‰ thì vận hành đóng từ chín đến đóng hoàn toàn 11/11 cửa van cống Cái Lớn.
Các ngày còn lại trong tháng, tùy theo tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn, cống Cái Lớn sẽ vận hành linh hoạt đóng từ năm đến bảy cửa van cống, tối đa đóng chín cửa.
Theo ông Việt Anh, khi đóng hoàn toàn cống Cái Lớn, Cái Bé, mực nước tại trạm hạ lưu cống Cái Lớn tăng cao khả năng vượt +1,20m. Dự báo tình trạng ngập xảy ra ở các vị trí trũng thấp khu vực hạ lưu (phía biển), như dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn, cống Xẻo Rô (phía biển, bờ An Biên), gồm các xã Hưng Yên, xã Tây Yên A có khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng ngập úng sân vườn, nhà khoảng 20-30cm.
Ông Việt Anh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, Công ty giao Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện, phân công vận hành, kiểm tra giám sát thường xuyên diễn biến mực nước, chất lượng nước và vận hành các cống theo kế hoạch. Công ty cũng đề nghị UBND huyện Châu Thành, An Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong nâng cao tạm thời bờ bao ở các nơi xung yếu…
Trước đó (12/3/2024), để đối phó với hạn mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên kiến nghị của ông Tam gặp phải sự phản ứng từ giới chuyên gia.