VNTB – Mỹ đang xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTokKhánh An tổng hợp

(VNTB) – Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ chắc chắn đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, vì cho rằng họ đã chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc.


View this in your browser.Bản tin Việt Nam Thời BáoNgày 8 tháng 7 năm 2020

VNTB – Mỹ đang xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTokKhánh An tổng hợp

(VNTB) – Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ chắc chắn đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, vì cho rằng họ đã chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc. 

“Chúng tôi đang xem xét điều này”, ông Pomp Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ngày càng lo ngại về an ninh quốc gia trong việc Tik Tok xử lý dữ liệu người dùng, nói rằng họ lo lắng về việc luật Trung Quốc yêu cầu các công ty trong nước phải “hỗ trợ và hợp tác với công việc tình báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.”

Ông Pompeo cho biết người Mỹ nên thận trọng khi sử dụng ứng dụng Tik Tok, một ứng dụng video ngắn  thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc.

“Chỉ khi bạn muốn có thông tin cá nhân của mình nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Pomp Pompeo tuyên bố khi được hỏi liệu ông có khuyên mọi người tải TikTok không.

Đáp lại những bình luận của ông Pompeo, TikTok nói với Reuters rằng họ chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho Trung Quốc.

Ưu tiên hơn nhất của chúng tôi là việc quảng bá trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng của chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu, TikTok nói trong một tuyên bố gửi qua email.

Ứng dụng, không được sử dụng ở Trung Quốc, đã tự tách khỏi Trung Quốc để thu hút khán giả toàn cầu.

Nhận xét của ông Pompeo cũng xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng trong việc xử lý dịch corona, hành động của Trung Quốc tại thuộc địa Hồng Kông cũ của Anh và cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm.

TikTok cùng với 58 ứng dụng khác của Trung Quốc gần đây đã bị cấm ở Ấn Độ sau cuộc đụng độ ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

TikTok tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường Hồng Kông trong vài ngày, sau khi Trung Quốc đưa ra luật an ninh quốc gia Hong Kong. 

Quyết định rời khỏi Hồng Kông sẽ không gây tổn thất mấy cho Tik Tok vì đây chỉ là một thị trường nhỏ. 

Trước đó hôm thứ Hai, các công ty Hoa Kỳ như Facebook, Microsoft, Google, Twitter và Zoom đều tuyên bố họ đã đình chỉ việc xử lý các yêu cầu về dữ liệu người dùng của chính quyền Hồng Kông trong khi họ nghiên cứu luật an ninh quốc gia mới.

Facebook, công ty sở hữu WhatsApp và Instagram, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ đang tạm dừng các đánh giá về yêu cầu dữ liệu của người dùng đối với tất cả các dịch vụ của mình, trong khi chờ đánh giá thêm về Luật An ninh Quốc gia.

Google và Twitter cho biết họ đã đình chỉ đánh giá các yêu cầu dữ liệu từ chính quyền Hồng Kông ngay sau khi luật có hiệu lực vào tuần trước. Zoom và LinkedIn của Microsoft đã ban hành các tuyên bố tương tự vào thứ ba.

Apple cho biết họ không nhận được yêu cầu về nội dung người dùng trực tiếp từ Hồng Kông, nhưng yêu cầu chính quyền ở đó phải  thông qua bộ tư pháp Hoa Kỳ theo một hiệp ước hỗ trợ pháp lý.

Trong bối cảnh đó, ứng dụng nhắn tin Signal, có  mã hóa từ đầu đến cuối, có số lượng đăng ký từ cư dân Hồng Kông gia tăng đáng kể.

Signal cũng cho biết trênTwitter hôm thứ Hai rằng họ không bao giờ chuyển dữ liệu người dùng cho cảnh sát Hong Kong. Ngoài ra, Signal cũng không có dữ liệu người dùng để trao lại cho chính quyền.

 

 ______________

Tham khảo:

(1) https://www.reuters.com/article/us-usa-tiktok-china-pompeo-idUSKBN2480DF?

(2) https://www.reuters.com/article/us-hongkong-law-tech/tiktok-quits-hong-kong-as-u-s-giants-suspend-processing-data-requests-idUSKBN2481FC

Đọc thêmVNTB – Núi rác Cam Ly – hoạt động sau 17 năm nằm trong danh sách đenNhiên An tổng hợp

(VNTB) – Nhiều lần đứng trước nguy cơ đóng cửa vì quá tải và kém hiệu quả, bãi rác Cam Ly vẫn duy trì hoạt động, thậm chí còn xảy ra sạt lở 2 lần trong một năm.Theo báo Thanh Niên, bãi rác Cam Ly có tên trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với Công ty dịch vụ công ích trong Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Thông tin được cung cấp bởi lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Lâm Đồng). Và bãi rác này vẫn còn hoạt động sau 17 năm kể từ ngày được nêu tên trong danh sách. (1)

Ngày 6/7/2020, núi rác Cam Ly, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 3 km xảy ra việc sạt lở với dòng nước thải kéo dài hàng trăm mét. Đây được ghi nhận là vụ sạt lở thứ hai trong năm. Đặc biệt, dù chưa có thiệt hại trực tiếp lên việc canh tác của các hộ lân cận, lượng rác bị sạt lở đã tràn lên phần rác bị sạt lở vào tháng 8/2019 và chỉ cách khu vực nhà kính, trồng hoa màu của người dân khoảng 50m.

Liên quan đến tình hình rác thải tại thành phố Đà Lạt, đã có nhiều sự luân chuyển trong công tác xử lý. Bãi rác Cam Ly từng bị đóng cửa trong hai năm 2015-2017 do không khắc phục được tình trạng ô nhiễm vượt mức quy định. Toàn bộ rác thải của thành phố sau đó được chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Việt Nam đăng trên Vietnamplus, từ ngày 30/6/2017, phần lớn rác thải thanh phố lại phải đưa trở về bãi rác Cam Ly, do nhà máy chỉ xử lý được khoảng 1/4 lượng rác.(2)

Đến đầu năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đề nghị nhập lại rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt. Theo đó, 80 tấn/ngày sẽ được nhập vào nhà máy, số rác còn lại (khoảng 140 tấn/ngày) đưa về bãi rác Cam Ly. Như vậy, lượng rác thải mà bãi rác Cam Ly tiếp nhận mỗi ngày cao gấp 1.75 lần lượng rác thải được nhà máy xử lý. Được biết, thời điểm đó Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt phải nâng giá chi trả cho Nhà máy là 420 nghìn đồng/tấn rác thay vì giá “tạm tính” 336 nghìn đồng/tấn.

Trước đó vào tháng 8/2019, theo báo Dân Việt, rác thải từ bãi rác Cam Ly sạt lở, tràn xuống tính từ đập chắn rác đến suối nước,diện tích khoảng 1,5 ha đã gây thiệt hại cho 7 hộ gia đình phía hạ lưu. Nhà kính, đất trồng rau, hoa đường ống dẫn nước, béc tưới tự động… bị hư hại. Trong đó diện tích bị ảnh hưởng nặng nhất là 8.800m2 với khối lượng rác khoảng 10.000m3. Sau đó, Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt phối hợp với UBND phường 5, Công ty cổ phần dịch vụ Đô thị đã thăm hỏi và tạm ứng kinh phí hỗ trợ 5 hộ dân bị thiệt hại nặng 10 triệu đồng/hộ.(3)

Vụ sạt lở bãi rác Cam Ly ngày 6/7, Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã tới khảo sát, kiểm tra hiện trường. Hiện chưa có thông tin về biện pháp khắc phục.



Vị trí sạt lở ngày 6 – 7- 2020 trùng với vị trí sạt lở xảy ra vào tháng 8-2019 khiến cả nghìn tấn rác đổ xuống vườn nhà dân bên dưới thung lũng. May mắn vụ sạt lở mới không gây ảnh hưởng nhà kính và hoa màu của người dân.Ghi nhận tại hiện trường chiều 6-7, hàng trăm tấn rác chảy xuống thung lũng. Tại vị trí núi rác sạt lở, xuất hiện nhiều dòng chảy có màu nước đen kịt bốc mùi hôi rất khó chịu.Dòng nước đen ô nhiễm này đã bắt đầu chảy vào khu vực nhà, vườn dân dưới thung lũng.Theo người dân trong khu vực, đợt mưa 2 tuần qua khiến số rác được chôn lấp sơ sài bên trên không kết dính hoặc mất kết dính dẫn đến sạt lở xuống bên dưới. Lượng rác sạt lở cùng nước thải phát sinh đã bắt đầu áp sát vào khu vực người dân sống và canh tác nông nghiệp, khoảng cách ước lượng 50m.

_______________

Ghi Chú
https://thanhnien.vn/thoi-su/bao-gio-thoi-am-anh-rac-thai-tai-da-lat-1119321.htmlhttps://www.vietnamplus.vn/su-co-sat-lo-bai-rac-cam-ly-can-co-huong-xu-ly-tu-goc-cua-van-de/591679.vnphttps://danviet.vn/lam-dong-bai-rac-cam-ly-tiep-tuc-sat-lo-uy-hiep-hoa-mau-nha-kinh-20200706162215049.htmhttps://tuoitre.vn/nui-rac-cam-ly-lai-ap-xuong-thung-lung-20200706152724218.htmĐọc thêmVNTB – Xe công vụ của ngài phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phạm luật?Hoài Nguyễn(VNTB) – Nhằm tránh những rủi ro khi luật pháp khó ‘ăn thua đủ’ với luật lệ, bài viết này chỉ bàn chuyện pháp luật quy định ra sao trong vụ xe công vụ đối với ngài phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.
“Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc để điều tra. Hiện, tôi không tiện chia sẻ thêm về các thông tin lan truyền, mọi vấn đề chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Sơn nói với báo chí.

Ông Lương Minh Sơn, phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết ông đã đề nghị công an tỉnh và các cơ quan liên quan vào cuộc để điều tra, làm rõ người phát tán thông tin liên quan đến việc xe biển xanh vào tận máy bay đón mình.

Nhằm tránh những rủi ro khi luật pháp khó ‘ăn thua đủ’ với luật lệ, bài viết này chỉ bàn chuyện pháp luật quy định ra sao trong vụ xe công vụ đối với ngài phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

Báo chí đăng (trích): “Như vậy, ông Lương Minh Sơn được xe công vụ mang biển số 78A 011-14 đón theo đúng chế độ quy định”, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên nói. (1)

Với cách trả lời báo chí như trên của lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên, rất có thể đây không phải là xe công vụ dành để phục vụ chức danh phó bí thư Tỉnh ủy, mà là “Xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh” được quy định tại Điều 12, Nghị định 04/2019/NĐ-CP “quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô” (2)

Như vậy, ở đây nếu đúng như là Tỉnh ủy Phú Yên đã ý thức tiết kiệm ngân sách, qua việc chỉ dành một suất xe công vụ phục vụ riêng chức danh bí thư Tỉnh ủy, còn cấp phó thì dùng xe ô tô phục vụ công tác chung, đó là điều trước tiên rất đáng hoan nghênh.

Hình ảnh được cho là ông Lương Minh Sơn, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, được đón bằng xe mang biển xanh ở tận cầu thang máy bay

Tuy nhiên nếu đây là xe công vụ dành riêng cho chức danh phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, thì có dấu hiệu của vi phạm pháp luật trong sử dụng vượt quy định cho phép về mức giá thương mại loại xe công vụ.

Theo hình ảnh chiếc xe công vụ được đăng trên các báo, nhiều khả năng xe công vụ biển số 78A 011-14 thuộc dòng “Land Cruiser Icon 7 seat” của thương hiệu Toyota (3). Giả dụ xe được mua vào năm 2018, thì giá của Toyota Land Cruiser có đến 7 phiên bản khác nhau, với mức giá từ 32.795 bảng Anh. Khi nhập về bán tại Việt Nam, thì giá ‘chưa lăn bánh’, vào khoảng gần 4 tỷ đồng.

Hiện tại giá có rẻ hơn, phiên bản Toyota Land Cruiser 2020 rao bán tại các salon ở Sài Gòn là 4,030 tỷ đồng, giá lăn bánh là 4,463 tỷ đồng.

Với chức danh phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, thì với sử dụng xe công vụ dành riêng, sẽ tuân thủ theo quy định ghi ở “Điều 7. Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe” – Nghị định 04/2019/NĐ-CP.

Và nếu căn cứ về quy định giá xe, thì cho dù là xe công vụ chung, hay dành riêng cho một chức danh cụ thể của cơ quan Tỉnh ủy, việc sử dụng dòng xe Toyota Land Cruiser là không tuân thủ pháp luật. Cụ thể, Nghị định 04/2019/NĐ-CP:

“Điều 16. Giá mua xe ô tô

1. Giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 và điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định này tối đa là 720 triệu đồng/xe. Trường hợp cần thiết phải mua xe ô tô 2 cầu do thường xuyên phải đi công tác đến địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc xe ô tô từ 12 đến 16 chỗ ngồi thì giá mua tối đa là 1.100 triệu đồng/xe.

2. Giá mua xe ô tô quy định tại khoản 1 Điều này là giá mua đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật; chưa bao gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ liên quan đến việc sử dụng xe. Trường hợp xe ô tô được miễn các loại thuế thì phải tính đủ số thuế được miễn vào giá mua để xác định tiêu chuẩn, định mức”.

Như phân tích thuần quy định pháp luật liên quan về chuyện xe công vụ đưa – đón, cho thấy về nguyên tắc, nếu đã thượng tôn pháp luật thì sẽ không thể xuất hiện bất kỳ xe công vụ biển số xanh nào có giá thương mại đến mức 4 tỷ bạc Việt Nam ở cầu thang đưa đón máy bay trong phi trường. Điều này tương tự như thật khó tin khi có ai đó dám nói rằng ông Nguyễn Văn A., bộ trưởng công an, và ông A. ấy không phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam (?!)

_____________________

Chú thích:

(1) https://zingnews.vn/pho-bi-thu-phu-yen-de-nghi-dieu-tra-nguoi-tung-tin-xe-cong-vao-san-bay-post1103954.html;

https://nld.com.vn/thoi-su/pho-bi-thu-phu-yen-noi-gi-ve-viec-xe-bien-xanh-don-tai-chan-cau-thang-may-bay-20200707155605601.htm;

https://tuoitre.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-tinh-uy-phu-yen-noi-xe-vao-sat-may-bay-don-la-dung-theo-quy-dinh-20200707084831413.htm

(2) http://vbpl.vn/tw/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?dvid=13&ItemID=133855

(3) https://www.toyota.co.uk/new-cars/land-cruiser/Đọc thêmVNTB – Cứ nói điều mình cho là đúngNguyễn Thông(VNTB) – Trong xã hội dân chủ, mỗi người đều có quyền biểu đạt suy nghĩ của mình. Không nên ép buộc nhau, bởi suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Thấy người khác trái ngược ý mình cũng đừng lấy làm phiền, mà nên tôn trọng cách hiểu của họ.Rất nhiều điều, cứ nói ra là nhận sự phản ứng trái chiều ngay. Kệ, mình cho là đúng như mình nghĩ thì viết ra thôi.

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất vô trách nhiệm khi bật đèn xanh, buông lỏng, để mặc các địa phương, các trường bắt học sinh phải tựu trường, đi học sớm ngay trong hè, ngang nhiên cướp đoạt những ngày nghỉ hè quý báu của học trò.

Học chán chê rồi mới khai giảng, khai trường. Túm lại là rất vớ vẩn. Nhưng ai nói ra, phê phán chuyện ấy thì lập tức có ông bà lãnh đạo bộ hoặc các chuyên gia đăng đàn rằng không sao cả, học trước là hợp lý, chuẩn bị kiến thức chắc chắn cho trò trước khi vào năm học mới, đáp ứng nhu cầu của nhà trường và gia đình…

Họ cứ “thì là mà” rất biện chứng, khoa học, trích dẫn cả Makarenko, cả cụ Hồ, đến nỗi không ít người cho là phải như vậy. Chỉ có học trò chịu thiệt. Nhưng rồi cái sai cái dở không thể ‘lăng loàn’ được mãi. Giờ thì chính bộ giáo dục phải tuyên bố kể từ nay trở đi cấm tiệt các trường tổ chức dạy và học trước ngày khai trường. Lạ là sao chưa thấy những ông bà từng đăng đàn lên tiếng khen ngợi chủ trương mới mà cũ này.

Tuần trước, Bộ Giao thông vận tải phải chính thức công bố không bắt buộc người chạy xe phải bật đèn giữa ban ngày, kể cả khi nắng gắt nữa. Dạo bộ đưa ra quy định ấy, lão hàng xóm nhà tôi cười ai lại điên như thế bao giờ. An Nam chứ có phải nước Anh xứ sở sương mù đâu mà điên điên khùng khùng như thằng cha Thể.

Tuy vậy, vẫn có nhiều “chuyên gia” tỏ ra hiểu biết, mắng tôi không biết thì im mồm đi, cả thế giới người ta áp dụng vậy chứ đâu phải chỉ riêng nước mình, thế giới đã có công ước bật đèn ban ngày này nọ.

Họ đi đó đi đây nhiều, đọc sâu hiểu rộng, họ mắng thế thì tôi đành chịu. Nay thì cái dự định bật đèn trưa nắng đã phải dẹp. Cũng may cho các quan trên, chứ ban ngày đã nóng nảy chói chang bỏ mẹ, chọc thẳng đèn pha vào mắt nhau lại chả dẫn đến đánh nhau ngoài đường suốt ngày, lúc ấy có mà giời can.

Vụ mua bảo hiểm dân sự xe máy cũng vậy. Nhiều ‘đấng’, ‘bậc’ quan trên nói đó là quy định có tính toàn cầu, mua bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho người bị tai nạn, để giảm tai nạn giao thông, rồi lại còn bênh cả công an đi làm thuê cho bên bảo hiểm…

Tôi chỉ thắc mắc cái thẻ bảo hiểm xe máy chả liên quan gì tới tai nạn giao thông, đã dân sự tự nguyện mà lại lôi cả phú lít ra chặn đường phạt phiếc, thế là nhiều vị ào vào mắng không tiếc lời, rằng quen với kiểu sống man rợ, không biết sự văn minh. Vừa rồi, nghe nói chính phủ và quốc hội sẽ bàn, xem lại cái quy định trái khoáy này. Theo tôi, bàn gì nữa, cứ dẹp phắt, thế mới là văn minh.

Có một dạo, dư luận thắc mắc vụ cảnh sát giao thông phạt những người chạy xe quẹo phải không bật xi nhan.

Họ rất máy móc, cứ rẽ phải mà không bật là phạt, bất cần biết lối quẹo ấy thế nào. Ai cũng rõ đèn xi nhan để cho người chạy phía sau biết hướng đi của người phía trước mà tránh. Nếu tất cả người trước và sau cùng lưu thông một luồng thì cần quái gì xi nhan. Chẳng hạn ở Sài Gòn, theo đường Phùng Khắc Khoan ra Điện Biên Phủ (quận 1) bắt buộc đều phải rẽ phải bởi cuối đường là công viên Lê Văn Tám chắn ngang, phía trái thì ngược chiều do Điện Biên Phủ là đường một chiều;

Hoặc các đường Tản Đà, Trần Tuấn Khải chạy ra Võ Văn Kiệt (quận 5) cũng vậy, chỉ có chiều duy nhất là quẹo phải, ai cũng chạy lối đó, vậy thì xi nhan cho người phía sau làm gì?. Nhưng những chỗ ấy cảnh sát giao thông rất thích đón lõng, phạt kiếm bộn tiền.

Có những vị tỏ ra thông thạo, bảo cả thế giới quy định rẽ phải bật đèn, cãi cái gì. Theo tôi chỗ nào rẽ phải như mấy ví dụ trên thì việc phạt là rất vớ vẩn, chỉ béo mấy ông phú lít giao thông, quy định máy móc thì nên dẹp. Luật để phục vụ con người chứ không phải để hành hạ con gnười. Ngay cả chủ nghĩa Mác-Lênin còn phải áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam nữa là, sao cứ phải bê nguyên xi như vậy. Mà bê về, nếu thấy không hợp, cũng nên vứt vào sọt rác, sao cứ phải ôm rơm nặng bụng tới cùng.

Còn nhiều thứ khác nữa, hộ khẩu, bịt miệng báo chí, kinh tế thị trường có đuôi, chủ nghĩa xã hội… luôn có ý kiến trái chiều. Thấy trái thì cứ nói. Chỉ mong sao cuộc sống hợp lý sẽ cuốn phăng đi những thứ cố chặn dòng đi lên của nó.

Đọc thêmVNTB – Thế lực thù địch là ai?Lynn Huỳnh

(VNTB) – Từ Việt Nam, nhà báo Phạm Thiết của tờ Người Lao Động, than thở: “Đất nước gì mà mở mắt đã nghe, làm gì cũng đe: “cảnh giác với thế lực thù địch, chống phá”. Sao bọn chúng nhiều thế!”
Là dân thì không thể là ‘địch’Nhà báo Phạm Thiết than vãn cũng đúng, vì hồi trước hay có cụm từ “bọn thế lực thù địch phản động lưu vong”, coi như khoanh vùng về giới hạn địa lý, còn giờ lại quá chung chung khi ở đâu nhìn cũng có thể là ngờ vực của ‘thế lực thù địch’ (!?).

“Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó” – ông nghị Trương Trọng Nghĩa, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có ý nói như vậy tại phiên toàn thể đại biểu Quốc hội ở hội trường Diên Hồng chiều 15-6-2020. Ông Nghĩa cũng khẳng định, nếu như ở hội trường Diên Hồng mà có thế lực thù địch, thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp chứ không tồn tại ở đâu cả.

Với loại trừ như trên của ông nghị Trương Trọng Nghĩa, vậy thì các “thế lực thù địch” còn lại là những ai?

Giả dụ chụp chiếc mũ cho nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là ‘thế lực thù địch’, thì đó là ‘thù địch’ với ai?

Trong các tiết học chính trị về Tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta vẫn được khuyến cáo rằng mỗi khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền, thì cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, không nóng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Cách làm đó là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ mục đích của Đảng.

Giá trị truyền thông đa chiều

Đọc các bài báo ký tên Phạm Chí Dũng đăng trên trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, có thể thấy rằng quan điểm của những người phụ trách ở ban Việt ngữ của VOA đã cùng chia sẻ cách đánh giá về truyền thông với nhà báo Phạm Chí Dũng, rằng ý tưởng cứ gán cho người dân tội nghe theo kẻ địch, ‘nghe đài địch’ là một đặc điểm hình thái ý thức hệ đã hoàn thành vai trò lịch sử. Giờ là lúc đất nước cần có sự minh bạch, những giá trị truyền thông đa chiều, để mọi người dân ai cũng có thể đóng góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh.

Một tương tự cho việc so sánh, cũng đồng thời được điều hành bởi một nhóm người Việt từ nước ngoài, nội dung các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, nói như lời của tác giả Trish Nguyễn trong “Khát vọng tự do báo chí”, chủ trương lâu nay của nhóm thực hiện trang Việt Nam Thời Báo – IJAVN, là (trích):

“IJAVN có thể chọn một lối đi dễ dàng hơn chẳng hạn như chỉ đăng lại những bài sẵn có trên mạng xã hội hay các báo đài nào đó, vừa không tốn tiền nhuận bút, lại chẳng gây nguy hại gì đến các thành viên. Nhưng chúng tôi không thể.

Chọn một bên nào đó luôn dễ dàng hơn là trung dung. Trong cuộc khẩu chiến, bút chiến về Trump chúng tôi vẫn chọn bài thể hiện quan điểm hai chiều, hay về cuộc biểu tình của những người da mầu ở Mỹ, chúng tôi không ủng hộ bạo loạn, nhưng IJAVN cũng không dung thứ những ngôn ngữ thù hận gây chia sẽ chủng tộc. Khi chọn lối đi như vậy, chúng tôi đã bị buộc là chống tổng thống Mỹ đương nhiệm, hay ủng hộ bạo loạn, thậm chí là đưa tin giả.

Khi viết bài biểu dương thành tích nào đó của Việt Nam, chúng tôi đã bị cho là báo thân cộng, khi chỉ trích nhà nước Việt Nam chúng tôi bị cho là ba que phản động, hay thậm chí là nhận tiền của tổ chức chính trị nước ngoài để bôi nhọ nhà cầm quyền.

IJAVN cũng không thể chỉ chọn đăng tin “cướp giết hiếp” để lôi kéo sự hiếu kỳ của độc giả để thay cho những bài viết nghiêm túc; hay thậm chí chỉ cho đăng lại toàn các bài dịch lại từ tin tức nước ngoài hoặc chỉ cần cóp nhặt từ nhiều nguồn chắp vá để tổng hợp lại một bản tin không ghi rõ xuất xứ” (dừng trích).

Đừng nhìn đâu cũng thấy toàn thù địch

Như vậy, rõ ràng là cùng có thể bị quy chụp chiếc mũ “thế lực thù địch” vì có yếu tố mang tính nguy cơ là ‘nước ngoài’, nhưng ở đây trang Việt Nam Thời Báo lại ‘chung danh sách người dân’ trong cách hiểu của phát biểu: “Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó”, mà luật sư Trương Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh hôm chiều 19-6 ở nghị trường Quốc hội.

Nếu ai đó nghi ngờ về chuyện ‘chung danh sách người dân’, thì cứ việc giở lại Hiến pháp 2013, sẽ thấy ngay về quyền hiến định mà nhóm biên tập trang Việt Nam Thời Báo hiện tại đang được bảo hộ – mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang cần được động viên để góp phần xây dựng quê hương, đất nước:

“Điều 18.

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Name

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.