Đại diện hội nghề cá và luật sư từ Việt Nam trao đổi với BBC về chuyện hàng loạt tàu cá và ngư dân Việt bị các nước trong khu vực bắt giữ vì ‘đánh bắt trái phép’.
Tờ New Straits Times của Malaysia hôm 9/4 đưa tin bắt giữ 23 ngư dân Việt Nam trên hai tàu cá trái phép xâm nhập vùng biển ngoài khơi Terengganu và Pahang, trong hai vụ riêng biệt.
Đại úy Khoo Teng Chuan, Giám đốc khu vực miền đông của Cơ quan Thực thi Hàng hải (MMEA) cho hay 7 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trong vụ đầu tiên ở gần vùng biển ngoài khơi Pahang-Terengganu, lúc 05:30.
“Chiếc tàu tăng tốc bỏ trốn nhưng lực lượng MMEA đã đuổi theo khoảng 10 hải lý trước khi bắt được”, ông Khoo cho biết.
Ông cho biết thêm là ngư dân không có bất kỳ giấy tờ nào trong người.
MMEA thu giữ 300 kg cá và mực, 7 ngư dân Việt được đưa vào bờ.
Vụ thứ hai, MMEA bắt giữ một tàu cá nước ngoài khác với 16 ngư dân Việt với 150kg mực, tại Pasir Puteh vào 09:10.
Cả hai tàu được cho là đang trên đường trở về Việt Nam sau chuyến đánh bắt hải sản.
Trước đó, Chuẩn đô đốc Watson Booneung, phó tư lệnh Vùng I Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Thái Lan, cho hay: “Từ ngày 3 đến 7/4, Hải quân vùng I Thái Lan đã bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép”.
‘Tiền chuộc trăm ngàn đô’
Hôm 12/4, trả lời BBC qua điện thoại, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá Rạch Giá, nói: “Gần đây, tôi có nghe thông tin ngư dân Vũng Tàu, Minh Hải, Trà Vinh, Sóc Trăng… liên tục bị các nước trong khu vực bắt giữ do họ đánh bắt trên vùng biển chồng lấn”
nhiều khi chủ tàu không muốn đánh bắt ở vùng biển nước ngoài do ngại rủi ro nhưng thuyền trưởng hoặc tài công hám lợi, một phần cũng do ngư trường trong nước cạn kiệt nguồn thủy sản – Theo ông Trương Văn Ngữ
“Nhiều trường hợp chính quyền không biết là tàu cá bị bắt ở vùng biển các nước nhưng người ta không đưa vô bờ mà để đòi tiền chuộc từ 100.000 đến 200.000 đôla”, ông nói.
Cũng theo ông Ngữ, “nhiều khi chủ tàu không muốn đánh bắt ở vùng biển nước ngoài do ngại rủi ro nhưng thuyền trưởng hoặc tài công hám lợi, một phần cũng do ngư trường trong nước cạn kiệt nguồn thủy sản”.
Cùng ngày, từ TP. Hồ Chí Minh, luật sư Hà Hải, người giúp ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan (vụ xả súng bắn chết ngư dân tháng 9/2015) cho BBC hay: “Việc ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển gần sát nhau không phải là chuyện lớn, vì thỉnh thoảng Việt Nam cũng bắt giữ ngư dân các nước xâm nhập vùng biển Việt Nam”.
Tôi cho rằng nguyên nhân của việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ là do nhận thức pháp lý của họ còn hạn chế. Nhiều ngư dân cho tôi hay rằng họ không nhận biết được việc mình vi phạm do tin là chủ tàu đã mua biển hoặc có phía trung gian xin phép đánh bắt – luật sư Hà Hải lý giải
“Vấn đề đáng quan tâm hơn là việc bắt giữ, xử lý ngư dân có theo luật và chính sách nhân đạo quốc tế hay không”.
“Tôi cho rằng nguyên nhân của việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ là do nhận thức pháp lý của họ còn hạn chế. Nhiều ngư dân cho tôi hay rằng họ không nhận biết được việc mình vi phạm do tin là chủ tàu đã mua biển hoặc có phía trung gian xin phép đánh bắt”, ông lý giải.
Luật sư nhận định: “Phần lớn ngư dân bị bắt giữ ở nước ngoài là nạn nhân do thiếu thông tin và cả tin vào chủ tàu.”