07-4-2016
Ngày 7/4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) bắt quả tang một cơ sở sản xuất giấm gạo bằng a xít và nước lã.
Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã lấy mẫu xét nghiệm để xác định mức độ độc hại của sản phẩm, tạm giữ và niêm phong toàn bộ số giấm gạo nêu trên.
Ghi chú:
Trong chương trình Ngon và lành, thiếu tá Nguyễn Huy Quân, đội trưởng Đội 4 phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: “Những loại thực phẩm này đưa vào cơ thể gây ra ảnh hưởng sức khỏe rất lớn, đặc biệt là dạ dày”.
Theo TS. Nguyễn Thị Việt Anh, Trưởng bộ môn Công nghệ lên men tại Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công thương, giấm do pha axit axetic sẽ có vị chát tiêu biểu, vị này sẽ không có đối với giấm lên men.
Tiến sĩ Việt Anh cũng cho biết hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu hay số liệu minh chứng cụ thể nào về nguy hại của giấm pha axit axetic. Nhưng khi các chất vô cơ này đi vào cơ thể sẽ dẫn đến việc thẩm thấu nhanh hơn nhiều so với giấm thường. Vì vậy, từ lâu, các nước phát triển đã cấm sử dụng giấm pha chế bằng cách này.
Đặc điểm của giấm thật, giấm pha axit
Bằng kinh nghiệm, người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là giấm pha axit chứ không phải do lên men tự nhiên, thông qua: Mùi hương, màu sắc, giá thành và những đặc điểm khi chế biến thức ăn.
Về màu sắc: Đây là cách nhận diện nhanh nhất. Đối với giấm pha axit,màu sẽ rất trong do không bản thân chúng không có các thành phần tinh bột, các chất cao phân tử… Vì vậy, nhiều trường hợp, nhà sản xuất sẽ phải phụ thêm chất tạo màu để giấm có màu hơi vàng.
Đối với mùi hương, giấm pha axit phải bổ sung chất tạo hương trong quá trình sản xuất, do đó mùi hương sẽ không bền và thơm đặc trưng như giấm gạo thông thường.
Còn đối với giấm do lên men tự nhiên, độ trong thấp và thời gian giữ độ trong ngắn hơn. Nếu là lên men tự nhiên thì sau một thời gian ngắn sẽ tạo kết tủa, đục và nếu như độ lọc không cao thì màu đục sẽ càng rõ.
Đặc biệt, đối với giấm pha chế, dù bảo quản 1 đến 2 hoặc 3 năm vẫn sẽ giữ được độ trong.
Về giá thành, “các loại giấm kém chất lượng tràn lan trên thị trường Việt Nam hiện nay, với giá chỉ 3000-5000đ/ chai 500ml”. Lý giải điều này, TS. Nguyễn Thị Việt Anh cho biết: “Giấm pha axit rẻ hơn nhiều vì axit Axetic có giá thành rất rẻ. Ví dụ loại axit Axetic đậm đặc của Hàn Quốc dùng trong thực phẩm bán với giá 20.000đ/1 lít với nồng độ 98%, khi nhà sản xuất pha chế xuống còn 3-4% thì thực sự sẽ quá rẻ”.