5 tháng 4 2016
44 sinh viên Đại học Luật Hà Nội ký tên yêu cầu Tòa án Hà Nội “chấm dứt ngăn cản người dân dự các phiên tòa công khai”, đơn của các sinh viên viết.
Trong đơn nhắc lại “Điều 15, Bộ luật Tố tụng Dân sự, điều 17 Luật Tố tụng Hành Chính quy định việc xét xử tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do các Bộ luật này quy định”.
“Chúng tôi không thể hiểu nổi là từ lúc nào Tòa án nhân dân Hà Nội lại ra những quy định trái Hiến pháp, trái pháp luật và bắt sinh viên Luật phải tuân theo” – Những sinh viên ký tên vào đơn viết.
Trước đó, một nhóm luật sư tại Hà Nội cũng có yêu cầu này gửi đến Tòa án Hà Nội với nội dung tương tự “những sinh viên luật, cử nhân luật trẻ cần được tham dự các phiên tòa để có thêm tư liệu, thực tế phục vụ quá trình học tập, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp.”
Nói với BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, Trương Thị Hà – một trong 44 sinh viên ký tên vào đơn kiến nghị cho biết “muốn mọi việc được giải quyết sớm” và cô “không muốn bình luận gì thêm”.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải, một trong những người thuộc nhóm luật sư viết đơn kiến nghị, bình luận về sự việc các sinh viên luật thực hiện: “Một nữ sinh viên luật 22 tuổi đại diện 44 sinh viên luật tại Hà nội đã gửi thư yêu cầu Chánh án Toà án Hà nội chấm dứt hành vi vi hiến của Toà án này và tiếp các sinh viên với tư cách công dân theo luật tiếp công dân. Liệu ông Chánh án lại lẩn tránh với lý do “bận việc”‘và bận ” ứng cử đại biểu Quốc hội”?”
‘Văn bản pháp lý hay’
Luật sư Lê Văn Luân – một luật sư trẻ đang tự ứng cử tại Hà Nội – nói về sự việc này trên trang cá nhân của ông: “Cách học, cảm thụ luật pháp nhanh nhất là nhìn vào cuộc sống, đánh giá chúng và nếu nó sai trái, hãy lên tiếng, đó là cách vận dụng, thấu hiểu luật pháp một cách tốt nhất mà không trường lớp nào dạy được các bạn.”
Trả lời BBC Tiếng Việt, luật sư Lê Văn Luân nói, ông cho rằng việc các sinh viên viết đơn kiến nghị này “Theo tôi là chưa bao giờ có”.
Ông Luân cho rằng đây là “một văn bản pháp lý rất hay”.
“Và đây cũng là cách để các bạn sinh viên bảo vệ chính các bạn và nghề nghiệp của các bạn, và đây cũng là cách để các bạn học.” – Ông Luân nhận định.
Trong thời gian vừa qua, tại nhiều vụ xử công khai tại Tòa án Hà Nội, người dân bị ngăn chặn tham dự.
Gần đây nhất, phiên xử công khai như vụ án Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, nhiều người dân, gồm cả dân biểu Đức đến cũng bị ngăn chặn và phải đứng bên ngoài phiên tòa.
Những sinh viên luật viết đơn kiến nghị cũng “đề nghị ông chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội bố trí sớm nhất một buổi tiếp công dân” để họ phản ánh nội dung yêu cầu.