Nhiều chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp quốc ngày hôm nay (03/6) kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp cô Trần Thị Hồng, người đã nhiều lần bị câu lưu và bị tra tấn như trả đũa cho việc cô thông báo cho cộng đồng quốc tế về những vi phạm nhân quyền đối với chồng cô, người đang bị cầm tù vì các hoạt động tôn giáo ôn hòa.
Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn Juan E. Méndez cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt tất cả các cuộc đàn áp và sách nhiễu, kể cả việc hình sự hóa, đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động vì quyền phụ nữ và thành viên gia đình của họ.
Cô Hồng, vợ của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, bị bắt lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 4 năm 2016. Cô đã bị tra tấn và cấm các hoạt động nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo. Kể từ đó, cô đã nhiều lần bị bắt và bị quấy nhiễu bởi chính quyền địa phương, lực lượng đang cố gắng để buộc cô ‘hợp tác’ với chính phủ.
“Chúng tôi quan ngại về việc liên tục bắt giữ cô Hồng vì những hoạt động nhân quyền và thực hiện những quyền con người cơ bản. Chúng tôi cho rằng những vụ bắt giữ như thế là bắt giữ tùy tiện và yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô.
Chồng cô, mục sư Chính đã bị cầm tù từ năm 2011 vì các hoạt động tôn giáo với tư cách là người đứng đầu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam-Hoa Kỳ Lutheran, một nhóm tôn giáo bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là “chống chính phủ” và “chống cộng”. Ông bị tra tấn và bị tước quyền được thăm viếng bởi gia đình của mình.
“Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các cộng đồng tôn giáo độc lập, bao gồm quyền lựa chọn lãnh đạo của họ,” Báo cáo viên đặc biệt Bielefeldt nói.
“Chính quyền Việt Nam phải điều tra những cán bộ tham gia đánh đập và xác định mức độ tra tấn để đưa những kẻ phạm tội này ra trước pháp luật, phù hợp với các cam kết của Việt Nam về nhân quyền, ông Méndez bổ sung.
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ kết luận rằng “Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mục sư Nguyễn Công Chính và cô Trần Thị Hồng, cũng như tất cả những người bị giam giữ vì các hoạt động hợp pháp nhằm bảo vệ quyền con người.”
Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của người bảo vệ nhân quyền Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội Maina Kiai, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ Dubravka Simonović và Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện tham gia ký tên vào văn bản này.