LS Trần Hồng Phong

1-5-2016

tu_do_ngon_luan_vc

Biểu tình là quyền công dân. Dù mục đích biểu tình hoàn toàn tốt và hợp lý, mà sao Nhà nước cứ phải “sợ”? Có lẽ đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm và cảm thấy kỳ lạ. Đặc biệt là trong một xã hội được cho là “dân chủ, công bằng, văn minh” như ở Việt Nam. 

Trưa nay 1-5-2016, tôi tình cờ đi ngang qua một đoàn biểu tình tự phát vì Môi trường biển ở Nhà hát lớn, ngay trung tâm Sài Gòn. Lúc đó là khoảng 11h trưa, một đoàn tuần hành khá đông (khoảng một vài trăm người) đang từ những bậc thang Nhà hát bước xuống, trên tay cầm băng rôn ghi các khẩu hiệu về bảo vệ môi trường, đi theo đường Đồng Khởi ra hướng sông Sài Gòn. Bám sát đoàn người là rất đông lực lượng dân phòng (mặc áo xanh), cảnh sát. Và kỳ lạ nhất là hai chiếc xe ô tô hai bên treo hai tấm biển lớn về bầu cử, loa phát thanh mở rất lớn để át tiếng hô bám theo sát đoàn biểu tình.

Đại để có thể chia làm hai phe: một bên là những người biểu tình, và một bên là phía lực lượng Nhà nước.
Tuy nhiên, nói một cách khách quan thì cũng không gì quá căng thẳng. Mặc dù sau đó đọc trên mạng xã hội, tôi được biết có “va chạm”. Tuy nhiên không đến mức căng thẳng và “bạo lực” như vài năm trước, vài cuộc biểu tình (tự phát) trước đây.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng biểu tình là hành vi, thái độ văn minh, là hình thức phản ứng đối với chính sách hay sự lãnh đạo của nhà cầm quyền. Thay vì dùng bạo lực (theo kiểu của bọn khủng bố), thì người dân đi biểu tình, hô hay mang những khẩu hiệu nói lên ý nguyện, hay yêu cầu, đề nghị với nhà cầm quyền về một vấn đề nào đó.

Chính nhờ có biểu tình, mà nhà nước biết người dân cần gì, quan tâm hay bức xúc về vấn đề gì, để từ đó có sự điều chỉnh, thay đổi … – về chính sách và điều hành, theo chiều hướng tốt hơn cho người dân, xã hội. Cũng chính là tốt hơn cho đất nước.

Về mặt pháp luật, biểu tình là quyền công dân được Hiến pháp quy định và bảo đảm (chỉ có điều QH cứ nợ hoài mấy chục năm mà không chịu ban hành Luật bầu cử).

Đáng tiếc là trong suy nghĩ của không ít người hiện nay, nhất là cán bộ công chức, biểu tình thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nào là “phản động”, “phá hoại”, “bị xúi giục”, “bám đít nước ngoài”, “vì tiền” …vv.

Những người suy nghĩ như vậy có lẽ trong cuộc sống họ cũng không bao giờ biết phản kháng, hay nói lên quan điểm của mình – với cấp trên chăng? Mà chỉ biêt im lặng ngậm chịu! Và họ nghĩ như vậy là khôn, là có lợi! Thậm chí họ có thể nghĩ không biểu tình là yêu nước. Còn những người biểu tình thì không.

Không nói đâu xa, lịch sử dân tộc trong khoảng 100 năm qua cho thấy nhờ có biểu tình, mà đất nước đã phát triển và đổi thay rất nhiều.

Những năm chiến tranh (trước 1975) phụ nữ, sinh viên, viên chức … ở Miền Nam xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, đòi hòa hợp dân tộc, đòi quyền làm người …vv.

Những năm chống bọn Trung Quốc xâm lược (biên giới phía Bắc), sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình phản đối (do các tổ chức đoàn, đảng tổ chức).

Gần đây, do đời sống quá khó khăn, bị chủ doanh nghiệp chèn ép, công nhân nhiều nơi đã biểu tình, lãn công. Và nhờ đó giành được thêm quyền lợi.

Khoảng năm 1988, sinh viên Ký túc xá Trần Hưng Đạo (quận 1 TP.HCM, gồm các trường ĐH Kinh Tế, Sư Phạm, Y Dược, Nghệ Thuật Sân Khấu, Tổng hợp) đã xuống đường biểu tình khi hai sinh viên bị dân phòng phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM) đánh. Nhờ có cuộc biểu tình này, mà nhà nước “phát hiện” ra “sinh viên là tầng lớp nhạy cảm, có lý luận chính trị”. Sau đó có sự thay đổi trong đánh giá, chính sách với sinh viên. (Báo chí khi đó có đăng).

Còn ở nước ngoài hả. Như ở Mỹ, hàng trăm ngàn người dân nước này từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, yêu cầu chính phủ Mỹ rút quân khỏi Việt Nam (mà có bị kết án là “phản động” đâu).

Có người nói Nhà nước thực ra không sợ dân biểu tình về những chuyện “tốt”. Chẳng hạn như biểu tình “yêu cây xanh”, “bảo vệ môi trường” …vv. Sợ là sợ người dân bị lợi dụng, bị bọn “phản động” xúi giục, kích động, rồi dẫn đến lật đổ, đập phá …vv.

Sợ như vậy, tức là nhà nước chưa thực sự tin người dân, chưa thực sự tôn trọng người dân. Nghĩ người dân dốt nát, dễ bị lợi dụng. Hay đúng hơn là Nhà nước chưa tự tin vào uy tín và năng lực điều hành, lãnh đạo đất nước của mình.

Tuy nhiên, xu thế đáng mừng là ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ biểu tình, ủng hộ đề nghị Quốc Hội sớm ban hành luật biểu tình.

Hãy thử hình dung quý vị có một đứa con trong nhà. Cho nó ăn gì nó cũng ăn, bắt nó làm gì nó cũng làm, không bao giờ nó có ý kiến gì, kể cả khi cha mẹ chửi bới là “ngu dốt” một cách vô lý. Rồi mình cứ nghĩ là nó “ngoan”!. Nhưng thực ra là trí tuệ hay tâm thần của nó có vấn đề! Vì đến con vật còn biết phản ứng vui buồn, biết cắn biết sủa khi người chủ đánh đập vô lý, không cho ăn. Thì chả lẽ con người không biết phản ứng? Không có quyền phản ứng nói lên chính kiến, quan điểm của mình? Mà một trong những phương thức – chính là biểu tình vậy!

Ông bà từ xưa nói có áp bức thì có đấu tranh – chính là biểu tình vậy!

Ông các mác cũng từng nói “hạnh phúc là đấu tranh”! Chả phải là biểu tình thì là gì?

 

Print Friendly, PDF & Email