Duc HuynhGiaoChu

Trong sấm giảng Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết nhiều lời dạy về TÂM:

Phật tại Tâm chẳng có đâu xa,

Mà tìm kiếm ở trên non núi.

———

Phật Tây Phương thật quá xa xăm,

Phải tìm kiếm ở trong não trí.

———

Địa ngục cũng tại Tâm làm quấy,

Về Thiên Đàng Tâm ấy tạo ra.

Cái chữ Tâm là quỷ hay ma,

Tiên hay Phật cũng là tại nó.

——–

Dạy về “TU TÂM” Đức Huỳnh Giáo Chủ có ý nhấn mạnh trong nhiều đoạn, đến cái “TÂM YÊN TĨNH” :

Nếu ai mà biết chữ tu trì,

Tâm bình tịnh được thì phát huệ . . .

Hoặc là:

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

Nếu lặng Tâm tỏ ngộ đạo mầu . . .

Vạn pháp đều do TÂM. Tâm sanh chủng chủng pháp sanh, Tâm diệt chủng chủng pháp diệt. “Chấp cảnh thì sanh diệt khởi như nước có sóng, lìa cảnh thì không sanh diệt như nước thường thông lưu. . .”

Thế nào là chấp cảnh? Chấp cảnh thì sanh diệt khởi, ví như mình thấy một người nào đó, một cảnh nào đó, một vật gì đó, TÂM liền phân biệt đẹp xấu, tốt hay không tốt . . . tất nhiên lòng mình, nếu đẹp, tốt, thì là khen, là ưa thích, là ham muốn. Còn xấu thì chê bai, không ưa thích . . . và TÂM mình sẽ khởi động theo ý nghĩa này, mong muốn nọ, tính toán kia làm cho TÂM mình dao động, rộn rã.

Thế nào là lìa cảnh? Chấp cảnh là Tâm sanh diệt, đương nhiên, lìa cảnh là không sanh diệt, ví như mình thấy người này, cảnh nọ, vật kia, tức là mắt vẫn thấy, Tâm vẫn biết nhưng mình không khởi niệm phân biệt đẹp xấu, tốt hay không tốt và không khởi niệm chê khen, ưa ghét, không có suy nghĩ gì tiếp theo đó . . . ấy là lìa cảnh.

Lìa cảnh tức là TÂM sanh diệt không khởi, tức là TÂM YÊN TĨNH, tức là LẶNG TÂM, tức là TÂM BÌNH TỊNH . . . giống như một hồ nước không bị gió lốc nên chẳng nổi sóng, tất nhiên, mặt nước phẳng lặng và trong suốt.

Luận về TÂM, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau nhiều năm khổ hạnhđi tầm Đạo không kết quả và cuối cùng Ngài xác định: ĐẠO không tìm ở đâu cả mà là phải khai thác trong trí huệ sáng suốt của chính mình . . . tức là ở TÂM . Và Ngài phán dạy: “Xa lìa mọi ham muốn thì TÂM yên vui bình tĩnh. TÂM yên tĩnh là điều hay bậc nhất. Chính TÂM ấy thâm nhập đại định hàng phục mọi ma chướng”.

Đường đạo lý chớ nên chán nàn,

Hãy bền lòng tầm Phật trong Tâm. . .

Tu đã là khó, giữ cho TÂM được bền vững để đi đến cứu cánh lại càng khó hơn nhiều.

Trên con đường tu tiến, người tu phải trực diện với muôn ngàn cám dỗ, ham muốn phát khởi từ dục vọng của bản thân và đó là nhân tố tạo ra phiền não làm thối chuyển tinh thần học đạo.

Con người sinh ra đã có sẵn LỤC CĂN ngay ở sắc thân. Càng lớn lên LỤC CĂN càng nảy nở tạp nhiểm với LỤC TRẦN sanh ra LỤC DỤC và LỤC DỤC sanh ra THẤT TÌNH. THẤT TÌNH là nguồn cội của phiền não, chướng ngại và làm cho thân Tâm điên đảo.

Về điểm này, Đức Huỳnh Giáo Chủ có dạy:

Lo tu tỉnh mặc ai khinh ngạo,

Diệt Lục căn đừng nhiễm Lục Trần.

Chữ sắc thinh chớ có hầu gần,

Hương với Vị xác trần nên lánh.

Chữ Xúc pháp treo gương Hiền Thánh,

Tránh sáu đường cũng đặng về Thần.

Từ xưa nay dạy chỉ nhiều lần,

Mà lê thứ không lo chẳng liệu.

NHÃN thấy sắc thường hay bận bịu,

TAI ưa nghe những điệu âm thinh.

MẮT với TAI đều chọn đẹp xinh,

Còn LỖ MŨI ưa mùi êm dịu.

Đồ thơm tho nó ham nó chịu,

Chốn xạ hương hay lết lại gần.

LƯỠI ưa ngon là chuyện ân cần,

Đồ ngọt béo nó ham nó mến.

THÂN tham sướng muốn tiền của đến,

Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.

Ý thì ưa sửa sắc soi hình,

Với chức phận cho cao cho quí.

Sáu đường ấy ở trong tâm ý,

Ta mau mau dứt nó cho rồi.

Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,

Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.

Dứt được nó ấy là giải thoát,

Thì xác trần mới khỏi đọa đày . . .

LỤC CĂN là: Nhãn (mắt), Nhĩ (tai), Tỳ (mũi), Thiệt (lưỡi), Thân (thân), Ý (ý).

LỤC TRẦN là: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

LỤC DỤC là: Danh vị, Tài lợi, Sắc, Tư kỷ, Hư vọng, Tật đố.

THẤT TÌNH là: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (đau đớn), Cụ (sợ sệt), Ái (yêu), Ố (ghét), Dục (muốn).

Vì Lục Căn tạp nhiễm Lục Trần, đối diện với mọi cám dỗ trần cấu nên sanh ra muôn ngàn thứ ham muốn, và ham muốn là nguồn cội của sự lặn hụp trong khổ hải trầm luân, là chướng ngại vô vàn làm cho người tu hành phải bị hư thân hoại đạo, tâm tư bất tịnh, bất định.

Cho nên, muốn diệt Lục Căn, không nhiễm Lục Trần thì ở nơi tướng xa lìa các tướng, ở nơi niệm mà không khởi niệm, ở nơi trụ mà không dính mắc gì hết.

Lìa tướng tức là đối tướng mà không chấp tướng này, tướng nọ, cảnh này, cảnh kia, tốt xấu, hay dở, đẹp hay không đẹp.

Không khởi niệm hay vô niệm tức là đối cảnh mà không tưởng nhiễm.Ở chỗ này phải tìm hiểu một cách thấu đáo. Có người tu hành cho rằng không tưởng nghĩ gì hết là VÔ NIỆM, hoặc là tìm kiếm chỗ vắng lặng, tịch tĩnh mà ở thì không có gì khêu gợi làm cho ta tưởng nghĩ , đó là VÔ NIỆM, nhưng Vô Niệm như cách này thì không đúng với chánh lý của Phật pháp, vì mình trốn cảnh để khỏi tưởng nghĩ . . . nếu mình đối cảnh thì còn giữ được cái không tưởng nghĩ đó không?

Cho nên, VÔ NIỆM BA LA MẬT là không trốn cảnh mà chính là phải đối cảnh để thể hiện VÔ NIỆM.

VÔ TRỤ tức là không vướng mắc vào pháp nào cả. Bản tánh của con người vốn là VÔ TRỤ, nhưng ví đối cảnh trước cảnh sanh tình, đối tướng chấp tướng nên phải dính mắc.

Giáo pháp của Đức Lục Tổ Huệ Năng lấy VÔ TƯỚNG làm thể, VÔ NIỆM làm tông và VÔ TRỤ làm gốc……..

Lê Quang Hiển 3/2016

Print Friendly, PDF & Email