21-4-2016

Sài Gòn giờ tan tầm
Sài Gòn giờ tan tầm

Sài Gòn với nạn kẹt xe, nắng nóng và những lô cốt giữa đường vẫn là bài ca muôn thuở của mùa nắng, ngập lụt, dơ dáy, kê bàn lên vừa ngồi trên bàn ăn cơm vừa ngắm dòng nước đen ngòm chảy thành sông trong nhà là bài ca mùa mưa, bài ca của một Sài Gòn xưa đã biến thành một cái hồ viết hoa nói theo cách giễu nhại của giới trẻ Sài Gòn. Những ngày lễ, đặc biệt là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, những dòng người nối đuôi rồng rắn càng làm cho Sài Gòn trở nên ngột ngạt, khó thở.

Thiếu cây xanh trầm trọng

Anh Thiện, cư dân quận 7, Sài Gòn, chia sẻ: “Bây giờ khó nói lắm, nói chung là nó hỏng từ cơ sở hạ tầng cho đến kiến trúc thượng tầng chứ không phải đơn giản. Muốn người Sài Gòn đi xe có văn hóa chắc là lâu lắm. Mà đâu chỉ riêng Sài Gòn, ở mọi thành phố đều như vậy. Tàu lửa chạy mà nó dám băng ngang đường ray để chạy, cuối cùng tàu lửa phải dừng hẳn thì biết cỡ nào rồi. bây giờ khó nói thật. Đôi khi mình có việc gấp quá, kẹt xe mình phải leo lên lề để chạy nữa kia mà!”.

Anh Thiện cho biết thêm là hiện nay, mức độ kẹt xe ở thành phố Sài Gòn có thể nói là miễn bàn, không còn gì để bình luận bởi vào giờ cao điểm có thể xảy ra kẹt xe ở bất kỳ con đường nào. Bởi lưu lượng xe máy và xe hơi quá cao nên chỉ cần một va quẹt nhỏ thì cả một con đường sẽ bị ùn tắt, kẹt xe diễn ra ngay sau đó.

Vấn đề đáng sợ nhất khi bị kẹt xe ở thành phố Sài Gòn chính là nắng nóng và văn hóa đường. Anh Thiện cho rằng hầu như Sài Gòn quá thiếu bóng cây xanh nên chỉ cần kẹt xe diễn ra vài phút thì không khí đã nóng hầm hập, khói xe thi nhau nẹt.

Bây giờ khó nói lắm, nói chung là nó hỏng từ cơ sở hạ tầng cho đến kiến trúc thượng tầng chứ không phải đơn giản.
– Anh Thiện, Sài Gòn

Cả một đoàn người rồng rắn tự đứng hít khói của nhau. Chỉ riêng chuyện ra đường để hít khói độc không thôi cũng đã là một vấn nạn của Sài Gòn, đừng hỏi vì sao các bệnh viện Sài Gòn luôn thiếu chỗ nằm bởi mỗi ngày người ta luôn phải ra đường và hít đầy lồng ngực khói độc, khói chì. Đây cũng là chuyện đáng lo ngại về nguồn xăng pha chì bán lẫn lộn ở các cây xăng khắp thành phố.

Bên cạnh đó, những hung thần xe buýt cũng là vấn đề đáng sợ khi đi ra đường phố Sài Gòn, bởi hầu như khi các xe buýt này xuất hiện thì đường phố trởi nên lộn xộn và náo loạn. Trong lúc cả một con đường kẹt xe, điều người ta nên làm là tắt hẳn máy xe để đỡ tiếng ồn và chờ cho các luồng xe lưu thông ổn định lại. Phải có người điều tiết các luồng xe, người đó không ai khác là công an giao thông. Và người đi đường phải biết chờ đợi hoặc nhường luồng, có như vậy con đường mới sớm lưu thông.

Đằng này thì khác, một khi kẹt xe thì hầu hết các luồng xe đều ùn ùn tiến tới cho dù càng tiến tới thì càng dồn nén và mắc kẹt nhưng người ta vẫn cứ nẹt pô, nhấn ga tiến tới. Điều này cho thấy vấn đề văn hóa đi đường có vấn đề trầm trọng ở Sài Gòn, không thể nói khác đi được. Và hầu hết các vụ kẹt xe đều phải chờ cảnh sát giao thông ít nhất mười đến mười lăm phút. Thời gian chờ đợi như vậy cũng đủ để cả một con đường ùn tắt và kẹt xe kéo dài vài giờ.

Anh Thiện bày tỏ nỗi bất bình của mình khi đưa ra nhận định nếu như ngành xây dựng cầu đường có trách nhiệm thì sẽ không có chuyện hàng loạt lô cốt thỉnh thoảng lại mọc lên giữa đường phố khiến cho con đường chỉ còn hẹp lại vài mét và các lô cốt này áng ngữ cả năm trời như vậy trong thành phố. Và nếu ngành giao thông có trách nhiệm thì thay vì đứng điểm để tìm xe lỗi mà phạt, hành hung người đi đường hoặc mè nheo bất kì người nào lọt vào tầm mắt thì công an giao thông phải đến các ngã tư hay xảy ra kẹt xe để điều tiết giao thông, để tránh tình trạng ùn tắt, ứ đọng…

Vấn đề cây xanh cũng là bài toán nan giải ở Sài Gòn. Anh Thiện cho rằng nếu như lượng cây xanh mọc nhiều ở các con đường thì bóng mát và lớp đệm điều hòa không khí cũng tốt hơn, những đoàn người mắc kẹt trong con đường ùn tắc sẽ tránh được nắng nóng và đỡ mệt mỏi hơn. Ngày làm việc có hiệu quả hơn…

Cuộc chiến mới của người dân

Một Sài Gòn thiếu cây xanh, thừa dây điện.
Một Sài Gòn thiếu cây xanh, thừa dây điện.

Anh Thiệu, cư dân quận 1 thành phố Sài Gòn, buồn bã chia sẻ: “Bệnh trầm kha mà, giờ cao điểm mình ra đường thấy lúc nhúc đầu người. Bây giờ kẹt xe là chuyện không thể giải quyết được nữa vì có mở rộng cỡ nào cũng không thể được bởi trước đây thời Mỹ Sài Gòn chỉ có ba triệu người còn bây giờ hơn mười triệu người, người ta làm đủ việc để sống…”.

Anh Thiệu bày tỏ nỗi lo của một cư dân đã sống nhiều đời ở Sài Gòn về một thành phố Sài Gòn đang ngày càng xuống cấp về mọi mặt, từ giao thống đến an ninh, cơ sở hạ tầng và bộ máy quản lý. Anh Thiệu nói rằng thành phố Sài Gòn hiện tại nếu làm một phép so sánh với Sài Gòn trước 30 tháng 4 năm 1975 thì chưa bằng 10% thời đó.

Giải thích cho tỉ lệ chênh lệch này, anh Thiệu đưa ra ba tiêu chí về an ninh, văn hóa và độ an toàn. Về vấn đề an ninh, chưa bao giờ thành phố Sài Gòn lại kém an ninh như hiện nay, bất kì người nào khi đi ra đường đều phải tự thiết lập tâm lý của một người chuẩn bị ra trận. Phải chiến đấu với kẹt xe, nắng nóng, tai nạn giao thông và nạn cướp giật. Cướp giật ở khắp mọi ngõ ngách Sài Gòn. Và khi bị giật túi xách hay điện thoại có thể bị ngã xuống đường, chấn thương sọ não mà cũng chẳng có ai cứu giúp. Thậm chí gọi công an thì ít nhất cũng nửa giờ đồng hồ sau họ mới có mặt, đồ bị cướp thì không bao giờ tìm lại được. Những chuyện như thế này không bao giờ có ở Sài Gòn trước 1975.

Bây giờ kẹt xe là chuyện không thể giải quyết được nữa vì có mở rộng cỡ nào cũng không thể được bởi trước đây thời Mỹ Sài Gòn chỉ có ba triệu người còn bây giờ hơn mười triệu người.
– Anh Thiệu, Sài Gòn

Về mặt văn hóa, một Sài Gòn hoa lệ và lịch lãm đã hoàn toàn mất dấu, thay vào đó là sự chộn rộn, nóng nảy và hung hãn của thanh niên. Chỉ cần một sự va quẹt xe nhẹ trên đường cũng có thể biến thành trận ẩu đả. Và khi đánh người khác, hầu như người ta không cần nể nang tuổi tác, cho dù là cụ già chăng nữa nhưng nếu có đụng chạm thì người ta sẵn sàng tấn công. Các xe buýt thì thả sức tăng tốc và lạng lách, không còn kể đến tính mạng của người đi đường, sở dĩ có chuyện như vậy bởi văn hóa Sài Gòn đã xuống cấp trầm trọng. Những ai còn giữ nét văn hóa Sài Gòn xưa thì chọn cách lùi vào căn phòng dĩ vãng của mình để chiêm nghiệm và qui ẩn. Điều này chỉ có sau 1975.

Nói về độ an toàn thì miễn bàn, anh Thiệu nói rằng theo dõi báo chí nhà nước không thôi cũng đủ thấy hai mươi năm nội chiến Bắc – Nam, người Sài Gòn bị chết vì chiến tranh thấp hơn nhiều hai mươi năm kinh tế mở cửa, hàng Trung Quốc tràn lan đất Sài Gòn và tỉ lệ chết vì bệnh ung thư, vì bệnh lạ cũng như tai nạn giao thông và đánh nhau dẫn đến chết người quá cao, cao hơn rất nhiều so với hai mươi năm chiến tranh.

Như vậy, có một thực tế không thể bỏ qua là thành phố Sài Gòn chưa bao giờ ngưng chiến tranh mặc dù tiếng súng đã im vắng hơn hai mươi năm. Nhưng cuộc chiến về thực phẩm an toàn, về an ninh con người, về môi trường, về văn hóa xã hội đang ngày một sa lầy. Có vẻ như Sài Gòn không bao giờ rút ra khỏi cuộc chiến này được nữa.

Anh Thiệu cũng bày tỏ hy vọng về Bí thư Đinh La Thăng, về tham vọng biến Sài Gòn thành một Thượng Hải ở Đông Nam Á mà ông Thăng từng nói. Tuy nhiên, những gì xảy ra gần đây như quyết định lát đá granite vỉa hè, chặt bỏ và di dời hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng hay gần đây nhất là cắt một phần đất của bảo tàng Khoa học để xây dựng cao ốc… Tất cả những quyết định này đều khiến cho người có tâm huyết và tình cảm với Sài Gòn đều cảm thấy lo lắng cho tương lai thành phố này!

 

Print Friendly, PDF & Email